Skip to main content

Posts

Showing posts from April, 2011

85. Con rắn và cái giũa (300)

Rắn bò vào trong tiệm của thợ hàn, đòi mỗi thứ đồ nghề phải tiếp tế cho nó. Sau khi được tiếp tế rồi, nó bò sang cây giũa, cũng xin đồ ăn. Cây giũa nói: “Mi đi xin tao đồ ăn thì chắc mi ngu hết chỗ nói, xưa nay tao chỉ lấy của người chứ chưa bao giờ cho đi hết.” Chuyện này ý nói, cầu lợi ở kẻ nghèo mạt hạng thì đúng là hết sức ngu xuẩn.

86. Lau với sồi (127)

Lau với sồi tranh nhau không ngớt xem ai có sức chịu đựng, sức mạnh và bình thản hơn, không ai chịu thua ai. Sồi chê lau không có sức mạnh, chỉ một ngọn gió nhỏ thôi cũng đủ làm cho nó ngã rạp; lau làm thinh không đáp. Lát sau, một trận gió dữ thổi tới, lau cong mình xuôi theo chiều gió, không bị trốc rễ. Còn sồi ương ngạnh hết sức chống cự, rốt cục bị gió thổi cho trốc gốc bạt rễ. Chuyện này ý nói, có nhiều lúc đừng tranh hơn thua với kẻ mạnh hơn mình lại có lợi hơn. Bản tiếng Anh tình tiết truyện hơi khác một chút, khuyên là, muốn thắng phải biết cúi mình.

84. Người chăn trâu và con nghé lạc đàn (17)

Người kia đang chăn trâu trong rừng cây, không may bị lạc mất một con nghé. Tìm khắp trong rừng mà không thấy, người ấy phát lời thể rằng, chỉ cần tìm ra kẻ ăn trộm nghé sẽ dâng cho thần thủ hộ rừng một con cừu. Lát sau, lúc ở trên một gò đất nhỏ, người ấy bỗng nhiên thấy dưới chân đồi một con sư tử đang ăn thịt nghé của mình. Người ấy kinh hoảng đưa hai tay lên, ngước mắt lên trời cầu xin rằng: “Vừa rồi con có thề là nếu bắt được kẻ trộm nghé sẽ dâng thần thủ hộ rừng một con cừu. Nay kẻ trộm đã tìm ra, con xin chịu mất con nghé ấy, còn dâng thêm một con trâu to nữa, chỉ cầu là con được an toàn thoát khỏi sư tử.” Chuyện này ý nói, có nhiều người đứng trước mặt kẻ địch hung dữ quá, thì hoảng sợ quên mất cả lời thề của mình.

83. Người đi đường với cây ngô đồng (293)

Đang trời mùa hè nóng bức, có mấy người đi đường bị cái nắng chói chang làm cho mệt mỏi, thấy đàng xa có một cây ngô đồng, bèn tới dưới gốc cây đó nằm nghỉ. Những người ấy nhìn lên thấy lá cây to, bèn kháo với nhau rằng: “Cây này không ra trái được, chẳng có ích lợi chi cho người ta.” Cây đáp lại: “Đúng là những kẻ không biết phải trái! Bọn bay đang hưởng ân huệ của ta, lại còn cho ta là cây không trái vô dụng nữa.” Chuyện này ý nói, có nhiều người không biết phải trái, hưởng thụ ân huệ của người ta lại còn chê bai họ nữa.

82. Con chó đeo chuông (59)

Có một con chó thường cắn vạ người. Người chủ đeo cho nó một cái chuông nhỏ để người ta biết mà tránh. Vậy mà nó ra ngoài chợ lắc chuông chạy rông ra vẻ đắc ý lắm. Mẹ nó nói với nó: “Con đắc ý cái gì? Con đeo chuông không phải là vì con hiền lành, mà vì để báo cho người ta biết con sẽ gây vạ cho người ta đó.” Kẻ cuồng vọng ngông nghênh sẽ bị chính thói hư vinh của mình phơi bày tội ác mình đã giấu kĩ.  --- Lời khuyên trong bản tiếng Anh là, nhiều người thường nhầm lẫn cho ô danh là vinh dự.

81. Thợ săn với chim sẻ

Thợ săn giăng võng rất kín, chuẩn bị bắt chim. Chim sẻ ở từ xa tới trông thấy, bèn hỏi ông ta đang làm gì. Ông ta đáp đang xây một tòa thành đẹp đẽ, nói xong bèn chạy ra xa tìm chỗ nấp. Chim sẻ cho là thật, không chút ngại ngùng bay vào trong lưới, kết quả bị mắc bẫy. Lúc thợ săn bước tới bắt chim sẻ, chim nói rằng: “Này ông bạn, ông xây thành như thế này đây, thì chắc chắn không có thêm ai tới ở đâu.” Chuyện này ý nói, kẻ thống trị tàn bạo sẽ khiến cho người ta bỏ hết quê hương nhà cửa ra đi.

80. Ngựa và hươu (193)

Ngày xưa ngựa chiếm riêng một cánh đồng cỏ. Có một ngày nọ, hươu xâm nhập vào lãnh địa của nó, muốn cùng ăn chia đồng cỏ. Ngựa rất tức giận hươu xâm nhập lãnh địa của nó, rắp tâm báo thù cho được, bèn nhờ người giúp trừng phạt hươu. Người đáp lại rằng, nếu ngựa chịu đeo hàm thiết trong miệng và chịu để cho người cưỡi trên lưng thì người sẽ lấy vũ khí hữu hiệu nhất xua đuổi hươu cho. Ngựa chìu theo đòi hỏi của người, chịu để cho người cưỡi trên lưng mình. Từ đó về sau, ngựa mới biết rằng, chưa báo thù được hươu thì đã thành nô lệ cho người rồi. Chuyện này ý nói, cắm đầu đáp ứng điều kiện của người khác mà không suy nghĩ chín chắn, thì thường chẳng những không được mục đích của mình mà còn bị mất nhiều thứ khác nữa.

79. Người bị chó cắn (88)

Có người bị chó cắn bị thương, chạy vạy khắp nơi tìm người chữa trị, nhưng không có cách nào hiệu quả. Có người mách lấy bánh mình xoa lên máu vết thương, rồi đem cho con chó cắn mình ăn. Người kia đáp: “Tôi tưởng nếu làm như thế chẳng khác chi kêu hết chó trong thành này ra cắn mình.” Chuyện này ý nói, tính ác mà được ủng hộ thì càng thêm ngang tàng, không tội ác nào chừa.

78. Người và sư tử đồng hành (29)

Có một ngày kia, người và sư tử đi cùng đường với nhau, ai cũng khoe mình hơn kẻ kia. Trên đường đi, hai bên nhìn thấy một khối đá, trên đá khắc hình một người chinh phục sư tử. Người ấy vừa chỉ cho sư tử thấy, vừa nói: “Anh thấy chưa, sự thật cho thấy bọn ta mạnh hơn bọn anh nhiều.” Sư tử cười rồi nói: “Nếu mà sư tử bọn tôi khắc hình vào đá thì ông sẽ thấy có rất nhiều người nằm dưới chân sư tử.” Chuyện này ý nói, những kẻ không có tài năng tích sự gì lại thường hay khoe khoang trước mặt người khác.

Bà già với con cừu (99)

Ngày xưa có một bà già nghèo khổ nuôi một con cừu. Tới mùa lấy lông cừu, bà muốn lấy lông, nhưng không muốn trả tiền thuê người làm, bèn tự mình làm. Bà lấy lông cừu không thành thục, nên cắt lông mà xén luôn cả thịt. Con cừu đau quá kêu lên: “Bà chủ ơi, vì sao làm tôi bị thương như vậy? Máu thịt của tôi có thêm chút trọng lượng nào cho bộ lông không? Nếu muốn lấy thịt tôi thì có đồ phủ giết tôi rất mau, còn nếu muốn lấy lông tôi thì có thợ xén lông họ chỉ xén lông chứ không làm tôi đau.” Chuyện này ý nói, tiết kiệm tối đa chưa hẳn là có lợi nhất.

Sói bị thương với cừu (90)

Sói bị chó cắn, vết thương rất nghiêm trọng, nằm đau đớn trên mặt đất, không thể đi kiếm ăn. Lúc ấy nó thấy một con cừu, bèn nhờ cừu tới dòng sông nhỏ gần đó lấy cho một ít nước. Nó nói: “Chú lấy cho tôi một ít nước giải khát, tôi sẽ tự mình đi kiếm thức ăn được.” Cừu đáp: “Nếu tôi đem nước tới cho ông thì tôi sẽ thành đồ ăn cho ông luôn.” Chuyện này khuyên chúng ta chớ bao giờ gần gũi những kẻ ác đeo mặt nạ lương thiện.