Guy de Maupassant
Tư lệnh Thiếu tá Graf von Farlsberg ngả mình trong một chiếc ghế bành lớn đọc nhật trình, chân đi ủng gác trên bệ lò sưởi bằng cẩm thạch sang trọng; suốt ba tháng nay kể từ khi y đến chiếm biệt thự Uville thì bệ lò sưởi đã bị cựa giày khoét cho hai lỗ mỗi ngày một sâu thêm.
Một tách cà-phê đang bốc hơi trên chiếc bàn nhỏ tiện hoa văn vừa nhem nhuốc vết rượu và vết xì gà cháy, vừa chằng chịt vết dao nhíp do viên tướng thắng cuộc mỗi lần gọt bút chì là cao hứng dùng dao rạch nguệch ngoạc.
Đọc xong thư và mấy tờ nhật trình Đức do liên lạc viên đưa tới thì y đứng dậy, ném ba bốn khúc củi tươi to sụ vào lò sưởi- mấy ông tướng nầy đương đốn dần cây trong công viên để có lửa sưởi ấm- rồi bước tới cửa sổ. Ngoài trời mưa tầm tã, một cơn mưa thường lệ của xứ Normandy mà như có ai đương nổi lôi đình trút hết nước xuống, mưa xiêng chênh chếch mờ đục như một bức màn, tạo thành một bức tường có vệt chéo, mưa dìm ngập mọi vật. Một cơn mưa chỉ có ở lân cận Rouen là cái vụng nước của Pháp.
Viên sĩ quan đứng ngắm bãi cỏ đã ngập nước một hồi lâu, xa xa là sông Andelle nước đã tràn bờ; mấy ngón tay y đương gõ một điệu valse Rhineland trên ô kính cửa sổ thì bỗng một tiếng động làm y quay lại. Đấy là sĩ quan phụ tá của y: Nam tước Kelweinstein, chức vụ tương đương đại uý .
Thiếu tá Farlsberg người phương phi, vai rộng, râu quai nón hình quạt phủ xuống tận ngực như bức mành. Dáng người cao lớn và đạo mạo đó gợi cho ta liên tưởng đến một con công nhà binh, một loại công đuôi xoè ra tận cổ. Mắt màu lam, lạnh nhạt mà hiền từ, mặt bị sẹo do kiếm chém trong những năm chiến tranh với Áo; nghe nói y là người mẫu mực, một sĩ quan dũng cảm.
Đại uý Kelweinstein lùn, mặt đỏ, lưng bó nịt chặt, tóc đỏ húi sát đầu mà khi rọi sáng vào thì trông tựa như mới rắc lân tinh. Y gẫy hai cái răng cửa trong một đêm truy hoan ầm ĩ mà đến giờ y cũng không còn nhớ rõ nữa, vì gẫy răng mà nói năng ngụng ngịu khó nghe. Đỉnh đầu bị hói trơ ra một mảng da trần trụi, xung quanh là một viền tóc quăn vàng hoe trông y như thầy dòng.
Tên sĩ quan bắt tay y, vừa uống cạn tách café (tách thứ sáu sáng nay) vừa nghe thuộc cấp báo cáo tình hình; rồi cả hai cùng đến bên cửa sổ và đều than thở ngày gì mà hắt hiu ảm đạm. Tên thiếu tá vốn người trầm tĩnh, đã có vợ ở quê nên hoàn cảnh nào cũng thích nghi được; còn tên đại uý sống đời phóng đãng, hay bê tha dầm dề ở các nhà thổ, lại ham đàn bà, mà ba tháng nay phải cấm giới tù túng ở chốn khỉ ho cò gáy này thì rất bức bối.
Có tiếng gõ cửa, viên tư lệnh bảo "Vô đi", một tên lính hầu ra trình diện để báo là cơm sáng đã dọn xong.
Trong phòng ăn có thêm ba sĩ quan cấp dưới: một là trung uý Otto von Grossling, hai người kia là thiếu uý Fritz Shceuneberg và thiếu uý Markgraf Wilhelm von Eyrick. Thiếu uý Eyrick nhỏ con, tóc vàng, tính tình hách dịch, xử với thuộc hạ thì tàn bạo, với tù binh thì cay nghiệt mà nóng nảy thì như thiên lôi.
Từ khi y đặt chân lên đất Pháp thì đồng đội chỉ gọi y là Mademoiselle Fifi. Y bị đặt cho cái biệt danh đó là vì ăn mặc lố lăng, bụng nhỏ như có đeo yếm, mặt mày nhẵn nhụi, râu mép lưa thưa, và còn vì y có tật hay dùng mấy chữ Pháp 'Fi, fi donc' nói ngụng ngịu để tỏ ý miệt thị ghê ghớm.
Phòng ăn lâu đài Uville là một trường sảnh tráng lệ; những tấm gương cổ lỗ chỗ vết đạn, những dải thảm lót tường cao cấp xứ Flander bị gươm xéo và rách tua tủa tố cáo trò tiêu khiển của Mademoiselle Fifi lúc rảnh rỗi.
Trên tường treo ba bức chân dung của gia chủ, một hiệp sĩ đeo giáp sắt, một hồng y và một thẩm phán, ba vị đều ngậm ống điếu dài làm bằng sứ, một mệnh phụ mặc váy bó bụng đang ngạo nghễ phô cặp ria mép to tướng vẽ bằng than.
Bữa điểm tâm của các sĩ quan trôi qua lặng lẽ trong gian phòng đã bị phá tan hoang ấy, nền nhà lát gỗ sồi cũ kĩ lâu ngày đã hóa cứng như sàn quán rượu lát đá; lại thêm mưa gió bên ngoài nên cảnh lay lắt ấy càng thêm thê lương và não nề.
Cơm nước xong xuôi thì hút thuốc, uống rượu, và như mọi bữa mấy ông tướng bắt đầu ca cẩm cái đời tẻ nhạt mình đang sống đó. Rượu mạnh rượu nhẹ chuyền hết chai này đến chai khác, bọn chúng nghiêng ngửa trên ghế nhấp ly không ngớt, miệng không rời cái dọc tẩu cong và dài, đầu nõ làm bằng sứ bôi vẽ lem nhem như muốn dụ dỗ bọn mọi.
Hết ly này là mấy ông rót thêm ly khác, vẻ mệt mỏi chán chường; Mademoiselle Fifi làm vỡ ly liên tục, và có lính đưa ly khác tới. Một đám khói thuốc dày đặc phủ trên đầu bọn sĩ quan đang mơ màng trong một trạng thái miên man ngây dại, một thứ cảm giác rũ rượi chỉ có ở hạng truỵ lạc. Thình lình viên nam tước ngồi thẳng lên kêu:
- Trời ơi là trời! Thế này làm sao mà chịu nổi, phải nghĩ ra cái chi mà làm đi chứ!
Nghe vậy, trung uý Otto và thiếu uý Fritz, hai kẻ mang bộ mặt nặng nề, nghiêm nghị của dân Đức chính cống, hỏi:
- Làm gì hở đại uý?
Gã này suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Làm gì nữa? Nếu ngài chỉ huy cho phép thì chúng ta sẽ vui một bữa.
Viên thiếu tá nhả ống điếu khỏi miệng:
- Vui kiểu gì, đại uý?
Gã Nam tước đáp:
- Để em liệu cả cho. Em sai tên lính trực đến Rouen đem về đây vài cô, em biết kiếm ở đâu. Bọn mình sửa soạn bữa tối ở đây, với lại trong nhà này có đủ cả, làm gì chúng ta không vui vẻ được một đêm.
Bá tước Farlsberg nhún vai mỉm cười:
- Chú này điên tới nơi rồi.
Song mấy sĩ quan kia đã ra khỏi ghế, xúm quanh vị chủ tướng:
- Chỉ huy cứ để đại uý tuỳ ý mà làm, ở đây chán quá.
Viên Bá tước chấp thuận, vừa đáp "Làm gì thì làm" thì viên nam tước liền cho gọi lính trực. Ông này là một hạ sĩ quan già, chưa hề thấy cười nhưng mệnh lệnh của cấp trên thì răm rắp tuân theo, bất kể là lệnh gì. Ông đứng nghiêm nhận lệnh gã nam tước rồi lui ra; cách năm phút thì một toa xe lớn che vải do bốn ngựa kéo phóng đi vùn vụt dưới trời mưa tầm tã. Các ông tướng như tỉnh giấc mê, mặt mày tươi tỉnh và lại chuyện trò rôm rả.
Trời vẫn còn mưa không ngớt, viên thiếu tá bảo là chưa tối lắm, trung uý Grossling quả quyết trời sắp tạnh, còn Mademoiselle Fifi thì dậm dật đứng ngồi không yên. Cặp mắt sáng và hung dữ của gã lùng sục thứ gì để phá, bỗng gã sĩ quan trẻ tuổi nhìn bà quí phái có râu mép kia, rút súng lục ra quát: "Mụ không được phép coi gì cả.", gã không rời khỏi chỗ ngồi, giương súng ngắm, hai viên đạn liên tiếp đánh thủng hai mắt trên bức chân dung.
Rồi gã lại reo lên:
- Ta đi đánh mìn nào!
Cuộc nói chuyện ngưng bặt như mới xoay qua một chủ đề mới lạ có sức thu hút mãnh liệt. Mìn là phát minh của gã, là phương pháp phá hoại, và là trò chơi gã đắc ý.
Ngày ra khỏi biệt thự Uville, vị chủ nhân hợp pháp là Comte Fernand d'Amoys quá vội không kịp mang theo hay che giấu thứ gì khác ngoài bộ bát đĩa quí cất kĩ trong một hốc tường. Vị này rất giàu mà lại có óc thẩm mỹ nên trước ngày cuống cuồng ra đi thì gian phòng khách rộng rãi thông với phòng ăn lộng lẫy ấy chẳng hề kém phòng trưng bày của viện bảo tàng.
Tranh sơn dầu, tranh màu nước vô giá, tranh chân dung treo khắp phòng; trên các bàn và giá treo tường, trong các tủ kính trang nhã thì chưng đủ mỹ vật: độc bình, tượng, sứ Dresden, sứ Tàu, ngà voi cổ, gốm Venice, hết thảy đều sáng rực rỡ làm cho gian phòng lộng lẫy một vẻ sang trọng, quí phái.
Nay thì không còn gì nữa. Không phải là do mất cắp, vì viên thiếu tá không dung tội đó, mà là do Mademoiselle thỉnh thoảng lại đánh mìn, và những dịp như thế là mấy ông tướng lại được dăm phút vui chơi thoả thích. Gã hầu tước loắt choắt vào phòng khách lấy thứ cần lấy, rồi cầm ra một ấm trà nhỏ bằng sứ dễ vỡ tọng đầy thuốc súng. Y gắn cẩn thận một mẫu bùi nhùi gỗ vào miệng vòi, châm lửa đốt rồi đem trái hoả lực đó sang phòng kế, chạy vội ra và đóng cửa lại. Mấy ông tướng Đức đứng ngóng, mặt cười ngây ngô như trẻ con. Quả mìn vừa nổ rung chuyển căn biệt thự thì cả bọn liền lao vào trong.
Mademoiselle Fifi vào trước ai hết vỗ tay reo mừng thấy một pho tượng nữ thần Venus bằng sành bị đứt đầu; mỗi tên nhặt lấy vài mảnh sành vỡ và lấy làm vui mắt về những hình dạng kì dị ấy, chúng lại tìm xem mảnh nào mới vỡ, rồi reo lên một số mảnh là do lần nổ trước gây ra. Trong khi đó, viên thiếu tá vẻ nhân từ đưa mắt nhìn gian phòng rộng lớn đã bị phá tan hoang theo kiểu bạo chúa Nero giờ chỉ còn ngổn ngang mảnh vỡ những tác phẩm nghệ thuật. Y ra ngoài trước hết, mỉm cười hả hê:
- Lần này thành công to.
Mấy viên sĩ quan sang phòng ăn để uống ly cô-nhắc cuối cùng, nhưng trong phòng ám đầy khói súng lẫn với khói thuốc lá đến ngạt thở, viên chỉ huy mở cửa sổ, cả bọn cùng lại bên.
Không khí ẩm lùa vào phòng mang theo những hạt nước li ti rắc trên râu họ. Tướng tá đứng nhìn những chòm cây cao lã chã nước, phía thung lũng bao la lờ mờ sương mù, xa xa có tháp giáo đường vút lên không như mũi dùi xám trong làn nước mưa tầm tã.
Từ ngày quân Đức sang thì chuông nhà thờ không đổ nữa. Đó là sự phản kháng duy nhất mà quân xâm lăng gặp phải trong vùng này. Cha xứ đã không khước từ chứa chấp quân Phổ, lại nuôi cho ăn nữa. Thậm chí có mấy lần ngài còn uống bia hay rượu với viên thiếu tá của kẻ thù, ông này thường dùng ngài làm người trung gian nhân từ. Nhưng bảo ngài đánh một tiếng chuông thôi thì vô ích, đem ngài đi bắn còn hơn. Đó là cách ngài phản kháng cuộc xâm lăng, một cách phản kháng hoà bình và yên lặng, ngài bảo linh mục là người của hoà bình chứ không phải của đổ máu, và chỉ có cách đó là phù hợp; và ai nấy trong vòng hai mươi lăm dặm đều khen tụng cha Chantavoine là anh hùng bất khuất, đã can đảm tắt tiếng chuông giáo đường để bày tỏ công khai một mối tang thương.
Dâng làng thấy cha kháng cự như vậy thì hứng khởi, sẵn sàng bất chấp mọi sự để hậu thuẫn vị chủ chăn của mình, họ coi sự phản kháng im lặng đó là cứu vãn danh dự cho quốc thể. Dường như dân làng ấy cho rằng họ làm vậy là xứng đáng với tổ quốc hơn hai làng Belfort và Strassburg, họ đã nêu một tấm gương quí báu và tên tuổi khu làng bé nhỏ của họ đáng được ghi vào sử sách; song, ngoài chuyện ấy ra thì họ không từ quân Phổ xâm lăng thứ gì.
Viên tư lệnh cùng bọn sĩ quan kia chỉ cười thầm sự dũng cảm vô hại kia, và vì dân chúng trong làng này đều nhất nhất tỏ ra ngoan ngoãn và biết phục tùng nên chúng mới sẵn lòng dung thứ cho thái độ yêu nước thinh lặng ấy. Chỉ mỗi nam tước Wilhelm là muốn ép người ta phải đổ chuông thôi. Y rất bất bình với thái độ khoan hồng có tính cách chính trị của thượng cấp trước sự chống đối âm thầm của vị tu sĩ, và ngày nào cũng tới xin viên tư lệnh cho phép y đổ một hồi chuông, chỉ một hồi thôi để mua vui. Y lấy cái giọng ngon ngọt, dịu dàng của người đàn bà được nuông chiều để xin cho kì được, nhưng viên tư lệnh nhất định không nhượng bộ, và để tự an ủi, Mademoiselle Fifi bèn đánh một quả mìn trong biệt thự d'Uville.
Năm ông tướng đứng đấy năm phút hít lấy không khí ẩm ướt, sau cùng trung uý Fritz cười và nói:
- Trời này mà đi thì cũng khổ mấy nàng.
Rồi họ tản ra ai làm việc nấy, viên đại uý kham lãnh bữa cơm tối là bận bịu hơn cả.
Đến chiều gặp nhau, bọn sĩ quan thấy đồng nghiệp mình chải chuốt như trong ngày tổng duyệt binh thì phá lên cười. Viên tư lệnh tóc không còn xám như hồi sáng, viên đại uý đã cạo râu nhẵn nhụi chỉ trừa lại hàng ria mép khiến dưới mũi y trông như có một ngọn lửa.
Mặc dầu trời mưa bọn chúng vẫn để mở cửa sổ, dăm ba phút thì có một người lại dỏng tai nghe ngóng. Đúng sáu giờ mười lăm viên nam tước bảo nghe từ xa có tiếng lào rào. Cả mấy tên đều xộc đến, chẳng mấy chốc chiếc xe phi nước đại đã tới nơi, bốn con ngựa mình bốc khói, thở phì phì, bùn vấy tới đai yên. Bước xuống xe là năm cô gái xinh đẹp do một đồng sự của viên đại uý đã lựa cẩn thận, đây chính là người mà viên lính trực đã đưa cho danh thiếp của viên đại úy.
Các nàng bị người ta bắt đi nhưng không đòi hỏi nhiều, ba tháng nay chung chịu với quan binh nhà Phổ các nàng đã hiểu được cái sự đời, thời cuộc nghiêng ngả ra sao thì tấm thân mình cũng đành phó trong tay người ta như vậy.
Các nàng bước ngay vào phòng ăn, phòng đã hư hỏng, thắp đèn lên càng trông ủ dột; trên bàn bày la liệt của ngon vật lạ, chén dĩa đều bằng sứ và pha lê sáng rực, và có cả bộ chén quí mà chủ nhân giấu trong hốc tường đã bị phát hiện, gian phòng khoác cái vẻ của một tửu quán mới bị một bọn lâu la mới đánh cướp giờ đang quay ra đánh chén thả cửa. Viên đại uý mặt mày hớn hở choàng tay ôm lấy mấy cô nàng làm như quen biết với người ta lắm, và khi ba sĩ quan trẻ kia tỏ ý muốn lựa lấy một cô thì y ra oai ngăn cản, giành lấy quyền phân chia công bằng theo chức danh từng người để thượng cấp khỏi mếch lòng. Thế là để khỏi cãi lẫy bất hoà, khỏi có ai nghi ngờ mình thiên vị y sắp các cô đứng theo chiều cao. Y chỉ cô cao nhất hỏi như ra lệnh:
- Cô tên gì?
Cô nàng lên giọng đáp:
- Pamela.
Y bảo:
- Cô số một tên Pamela là phần của ngài tư lệnh.
Rồi y hôn người cao thứ nhì, tên là Blondina để tỏ ý là cô thuộc về mình. Cô Amanda đẫy đà chia cho Trung uý Otto, "trái cà chua" Eva về tay Thiếu uý Fritz và cô Rachel lùn nhất về tay Bá tước Wilhelm d'Eyrick. Cô này trẻ măng, da ngăm đen, mắt huyền như nhung, gốc Do thái, mũi gãy, xác nhận cái lệ hễ mũi gãy thì là người Do thái.
Các cô đều đẫy đà hơ hớ, không cô nào có nét đặc biệt, nước da thân hình đều hao hao giống nhau.
Ba viên sĩ quan trẻ hau háu muốn đem phần của mình đi ngay, lấy cớ là các nàng cần tô điểm lại, nhưng viên thiếu tá đã khôn khéo phản đối, y bảo rằng các nàng như thế vào bàn ăn là tươm tất rồi, với lại y cũng sợ mấy người kia đem các nàng lên rồi khi trở xuống lại muốn đổi người, thành ra làm phiền cặp khác. Chuyện gì chứ chuyện này thì y có dư kinh nghiệm. Cho nên chỉ có vài cái hôn hít, những cái hôn đau đáu.
Đột nhiên cô Rachel mắc nghẹn ho sặc sụa đến chảy nước mắt, khói thuốc phun cả ra lỗ mũi. Tên bá tước giả vờ hôn đã phì vào miệng cô một hơi thuốc lá. Cô không nổi tam bành, mà cũng không nói nửa lời, nhưng cặp mắt cô đen lánh trừng trừng nhìn kẻ hành hạ mình long lên nỗi oán thù âm ỉ.
Cả bọn cùng ngồi vào bàn ăn. Viên tư lệnh tỏ ra vui vẻ, y sắp cho Pamela ngồi bên phải y, còn Blondina ngồi bên trái. Y vừa trải khăn ăn vừa khen:
- Anh có ý tưởng hay đấy, đại uý a.
Hai trung uý Otto và Fritz tỏ vẻ lễ phép như đang kề cạnh các bà quí phái làm cho hai tân khách của mình rụt rè e ngại, nhưng còn nam tước Kelweinstein thì mặt mày hớn hở, miệng toen toét những lời tục tĩu, đầu tóc đỏ hoe như lửa cháy. Y khen các nàng bằng thứ tiếng Pháp miền sông Rhine, và từ giữa hai hàm răng sún kia tuôn ra những lời cợt nhả mà chỉ ở hạng tửu điếm hạ tiện mới có.
Tuy vậy, y có nói gì thì các nàng cũng không hiểu, mà hồ như trí óc các nàng cũng chưa bừng tỉnh cho đến khi y buông ra những lời sàm sỡ hết sức mà lại khó nghe vì cái giọng lè nhè của y. Tự nhiên các nàng cùng rộ lên cười ngả nghiêng như một bọn điên, lặp lại luôn mồm những lời mà tên nam tước đã cố ý nói trệch đi để các cô nói tục. Y muốn gì các cô đều chìu tất vì hết chai rượu đầu tiên các cô đã say khướt, bao nhiêu thói cũ đều theo rượu quay về, hôn người bên phải xong lại sang hôn người bên trái, cấu véo, la hét điên cuồng, uống hết cốc này đến cốc khác, rồi ngâm nga vài khúc hát Pháp và mấy bài tiếng Đức học được khi tiếp xúc hàng ngày.
Chẳng mấy chốc thì mấy ông tướng cũng hết kiềm chế nổi, la hét, đập phá om sòm trong khi bọn lính chầu chực phía sau cứ thản nhiên như không. Chỉ mỗi viên tư lệnh là còn giữ được chút tự chủ.
Mademoiselle Fifi đặt Rachel ngồi trên đùi, y đã đến lúc, y hôn những lọn tóc đen loăn quăn trên cổ cô nàng, y véo thật mạnh khiến cô la inh ỏi, y có máu hung dữ của loài thú hoang và y thèm khát muốn đay nghiến cô nàng. Y ghì cô nàng Do Thái rồi áp miệng lên cặp môi đỏ hồng của cô, hôn cho cô nàng nghẹt thở rồi cắn cho máu chảy xuống cằm, ướt cả yếm cô gái.
Cô nàng trừng mặt gã, vừa lau vết thương vừa nghiến:
- Rồi mày phải trả giá.
Nhưng y chỉ cười hung tợn rồi đáp:
- Để đó ông mày trả.
Đến lúc tráng miệng thì sâm-banh dọn ra, viên tư lệnh đứng dậy, lấy cái giọng như khi uống mừng sức khoẻ hoàng hậu Augusta hô to:
- Mừng các cô!
Và tiếp đó là một tràng rượu mừng, thứ rượu mừng chỉ đáng với hạng binh nhì và hạng sâu rượu, lẫn lộn với những câu bông đùa thô tục mà do nói không sành nên nghe càng tục tĩu. Mấy ông tướng thay phiên nhau đứng lên cố nói cho hóm hỉnh và làm cái bộ tịch hài hước, còn mấy nàng thì say mèm suýt ngã khỏi ghế, mắt thì đờ đẫn mà mỗi lần nghe nói như vậy lại lè nhè hoan hô như điên dại.
Viên đại uý rõ ràng là muốn khoác cho cuộc trác táng cái vẻ trang trọng mới nâng cốc hô:
- Mừng chúng ta thu phục được lòng người.
Nghe vậy, trung uý Otto liền bật dậy, y vốn là một loài gấu ở rừng, lại quá chén, cao hứng một tình ái quốc đượm mùi men hô vang:
- Mừng chúng ta chiến thắng nước Pháp.
Tuy say nhưng mấy nàng đều làm thinh, chỉ có cô Rachel quay sang run run đáp:
- Này, tôi biết có nhiều người Pháp mà nếu có họ ở đây thì ông không dám hé miệng nói như vậy.
Nhưng tên bá tước loắt choắt đương ôm cô trên đùi rộ lên cười, hơi rượu đã kích thích y:
- Ha! ha! ha! Chúng có hay không thì ông đây chưa gặp bao giờ. Bọn ông mới ló mặt chúng đã chạy toe tua!
Cô gái nổi cuồng nộ, thét vào mặt y:
- Nói tầm bậy! Đồ con heo!
Y giương cặp mắt trong chằm chằm nhìn cô một lát hệt như các lần ngắm bức chân dung trước khi bóp cò súng, rồi phá lên cười:
- À, phải rồi, cô em cứ nói đi! Chúng mà dũng cảm thì bọn ông có ngự đây được không?
Y theo trớn tuyên bố:
- Bọn ông là chủ! Nước Pháp thuộc quyền bọn ông!
Cô nàng nhảy khỏi đùi y và ngồi phịch xuống ghế, còn y thì đứng dậy chìa cốc ra trên bàn lặp lại:
- Nước Pháp, dân Pháp, rừng núi, đồng ruộng, nhà cửa hết thảy đều là của bọn ông!
Mấy viên sĩ quan khác đã ngà ngà say, lại đột nhiên nổi máu quân nhân, máu của loài ác thú, liền giật lấy cốc của mình và reo:
- Nước Phổ muôn năm!
Rồi uống một hơi cạn sạch cốc.
Các nàng không phản ứng vì thấy chỉ còn cách thinh lặng là hay nhất, lại vì sợ sệt. Cô Rachel cũng không nói nửa lời, vì không có lời nào mà nói. Bỗng tên hầu tước đặt cốc sâm-banh mới rót lên đầu cô Do Thái mà tuyên bố:
- Tất cả đàn bà Pháp cũng thuộc về chúng ta!
Đến nước đó thì cô nàng đứng phắt dậy, cốc rượu đổ nghiêng tưới thứ nước màu đỏ đậm lên mái tóc đen như làm lễ rửa tội cho cô, rồi rơi xuống sàn nhà vỡ tan tành. Môi cô nàng mấp máy, cô thách thức ánh mắt của tên sĩ quan lúc ấy còn đang cười, rồi cô phát ra từng tiếng nghẹn ngào vì tức giận:
- Không... không... không đúng. Bọn chúng bay không đời nào có được đàn bà Pháp!
Tên sĩ quan ngồi xuống để cười cho hả hê, y cố lấy giọng Phổ nói:
- Cô nàng hay lắm, khá lắm! Vậy chứ cô em đến đây là để làm gì, hả?
Cô nàng sửng sốt, yên lặng một lát không đáp lời nào, trong cơn xúc động cô nàng chưa hiểu y muốn nói gì, nhưng ngay khi nhận ra ý châm biếm của y, cô nàng liền giận dữ rủa vào mặt y:
- Tao a! Tao a! Tao có là người đâu! Mà là con đĩ, và bọn người Phổ chỉ cần có vậy.
Cô nàng chưa kịp dứt lời thì đã bị y tát vào mặt, y định giơ tay lên đánh lần nữa thì cô nàng đã vớ lấy một con dao nhỏ trên bàn, lưỡi bằng bạc và gần như thác loạn, đâm ngay vào cuống họng của y. Điều y định nói chết nghẹt ở cuống họng, y ngồi há mồm ra, mắt trợn ngược hung tợn.
Mấy tay sĩ quan kia thét lên kinh hoàng và nhảy bổ tới cùng một lúc, nhưng cô nàng đã kịp đẩy cái ghế vào giữa hai chân Trung uý Otto làm y ngã sóng soài, rồi chạy lại mở cửa sổ, mấy viên tướng chưa kịp tóm thì cô nàng đã nhảy ra ngoài trời đêm đang mưa tầm tã.
Hai phút sau thì Mademoiselle Fifi tắt thở, Fritz và Otto rút gươm toan giết thì mấy cô gái đã quì sụp dưới chân ôm chầm lấy đầu gối hai người. Viên thiếu tá khó khăn lắm mới ngăn được cuộc tàn sát và sai nhốt bốn cô gái hoảng loạn vào một gian phòng có hai lính canh, sau đó y tính kế truy bắt kẻ chạy trốn, y tính kĩ như sắp bố ráp một trận giáp lá cà với kẻ địch và lấy làm chắc chắn thế nào cũng bắt được cô nàng.
Bàn ăn dọn dẹp tức thì để làm chỗ cho tên trung uý nằm, cạnh cửa sổ bốn viên sĩ quan đứng bất động, tỉnh ráo, mặt mày nghiêm nghị như lính đang làm nhiệm vụ, cố giương mắt nhìn qua màn đêm trong làn mưa tầm tã không dứt. Bỗng có tiếng súng nổ, rồi một tiếng nữa cách xa tiếng ban đầu; và suốt bốn tiếng đồng hồ như thế, thỉnh thoảng mấy viên tướng lại nghe có tiếng súng nổ, tiếng hô tập hợp từ những âm giọng yết hầu phát ra nghe như tiếng thách thức xa lạ.
Đến sáng thì tất cả trở về như cũ. Hai tên lính bị giết, ba tên khác bị đồng đội xéo cho bị thương trong đêm truy lùng sôi nổi và hỗn loạn ấy, song cô Rachel thì vẫn không bắt được.
Sau hôm đó, cư dân trong quận bị khủng bố, nhà cửa bị phá nát, người ta đã nhiều lần truy quét và bới tung cả vùng quê nhưng hình như cô nàng Do Thái ra đi mà không để lại một vết tích nào.
Chuyện đến tai viên tổng tư lệnh thì ông ra lệnh ỉm nó đi để khỏi làm gương xấu cho toàn quân, viên tư lệnh bị ông phạt nghiêm khắc, ông này đến phiên mình lại phạt vạ thuộc cấp. Viên tổng tư lệnh khuyến cáo: "Ra trận không phải là để ăn chơi, càng không phải để ve gái." Graf von Farlsberg nổi lôi đình quyết định trả thù dân trong quận, nhưng muốn trừng phạt khốc liệt thì phải có nguyên cớ nên y đòi ông linh mục đến, ra lệnh là tang lễ nam tước von Eyrick phải đổ chuông nhà thờ.
Trái với điều mọi người mong đợi, vị linh mục tỏ ra rất nhũn nhặn, rất nể nang, và hôm lính tráng khiêng thi thể Mademoiselle Fifi rời Biệt thự d'Uville ra nghĩa địa, bốn phía đều có lính bồng súng hộ tống thì nhà thờ mới đổ hồi chuông tử đầu tiên, nghe vui vẻ sôi nổi như có bàn tay thân thiện nào đang âu yếm. Đến đêm chuông lại đổ, hôm sau và nhiều hôm sau nữa, người ta muốn bao nhiêu thì chuông đổ bấy nhiêu. Nhiều đêm tiếng chuông vang vọng lên và vẳng đi nhè nhẹ trong bóng tối, nghe rạo rực trong lòng mà người thức giấc không hiểu vì sao lại như vậy. Nông phu trong làng ai nấy đều cho rằng chuông bị quỉ ám, và trừ vị linh mục và ông từ[1] ra thì không ai dám lại gần tháp chuông. Hai người đó lên tháp chuông là vì có một cô gái nghèo đang sống lẻ loi khổ sở trên đó, và cô nàng sống được là nhờ hai người ấy bí mật chu cấp cho.
Cô nàng ở lại trên đó cho đến khi quân Đức rút hết đi, và một đêm nọ vị linh mục mượn xe của ông thợ bánh mì đích thân chở người tù nhân của mình đến Rouen. Đến nơi thì ông ôm lấy cô nàng, và cô tự mình đi trở vào cái tửu điếm mà hồi trước cô đã ra đi, mụ chủ nhân tưởng nàng đã chết nay gặp lại nàng thì hết sức vui mừng.
Ít lâu sau, một người ái quốc không thành kiến ngưỡng mộ hành vi dũng cảm của cô, phải lòng cô, lấy cô và biến cô thành một người đáng quí như bao người đàn bà khác.
------------------------------
Comments
Post a Comment