Guy de Maupassant
Nàng là một trang tuyệt sắc; tại định mệnh nhầm lẫn nên đặt nàng vào một gia đình sống về nghề công chức. Không của hồi môn, không tương lai, không hy vọng có người giàu sang biết tới nàng, hiểu nàng, yêu nàng và cưới nàng làm vợ nên tơ duyên nàng đành chấp nhận se với một thầy ký nghèo làm ở Bộ Giáo Dục.
Nàng ăn mặc giản dị vì không có cái để chưng diện, nhưng nàng lại bất hạnh chẳng khác nào đang ở nơi quyền quí mà bị đuổi đi, bởi lẽ đàn bà không có cấp bậc hay thế giá, mà cái sắc, cái duyên và sức quyến rũ chính là gia thế của họ. Tính mẫn cảm, thanh nhã thiên bẩm, trí óc nhu nhược chính là vị thế của phận liễu, nhiều khi nhờ đó mà hàng nữ nhi của lớp người bình dân này sánh kịp những bậc mệnh phụ danh giá.
Nàng khổ sở cùng cực vì nàng tưởng rằng trời sinh nàng ra là để cho nàng vui hưởng đời phú quí. Nàng khổ sở vì cảnh nhà lụp xụp, tường vách thì trơ trụi, ghế ghiếc đã ọp ẹp, mà màn trướng lại chẳng đẹp. Cảnh tồi tàn đó, như người đàn bà bình dân khác ở vào địa vị nàng ắt chẳng lấy làm bận tâm, nhưng nàng thì nàng ray rứt và ghê tởm. Thấy con bé người Breton quê mùa cặm cụi mấy việc hạ tiện trong nhà thì nàng chán nản tuyệt vọng, rồi say sưa mơ tưởng. Nàng tưởng tượng những gian tiền sảnh yên tĩnh treo tranh lụa Á Đông rực rỡ ánh sáng từ mấy cột đèn đồng cao, có hai người hầu phòng cao lớn mặc quần cụt ngang gối nằm trên ghế bành lớn mà mơ màng ngủ trong làn hơi ấm áp từ lò sưởi phát ra. Nàng tưởng tượng những phòng khách rộng rãi treo tranh lụa cổ, bày biện sang trọng và chưng đầy của vật quí hiếm; những gian phòng xinh xắn, sực nức nước hoa dành để tiếp bạn bè thân mật mỗi năm giờ chiều, họ không ai khác ngoài những người đàn ông tiếng tăm được nhiều người đeo đuổi, mà cánh đàn bà ai cũng thèm thuồng, khao khát được lọt vào mắt họ.
Đến bữa cơm tối, trước gian bàn tròn phủ chiếc khăn mới ba ngày dùng, chồng nàng mở nắp liễn xúp và vui vẻ lên tiếng khai bữa: “A, ngon tuyệt! Anh chưa thấy món nào ngon như vậy,” thì ngồi đối diện với chồng, nàng chỉ tưởng đến yến tiệc linh đình dọn trong một phòng ăn trên tường có giăng thảm vẽ tranh người xưa và các giống chim lạ đang bay giữa cảnh tiên, trên bàn bày chén đĩa sáng loáng dọn đủ thứ cao lương mĩ vị; nàng lại tưởng như mình đương thưởng thức món cá hồi hồng hồng hay món cánh chim cút, vừa nghe những lời tán tỉnh rỉ sát tai vừa mỉm cười bí ẩn.
Nàng chẳng có lấy bộ váy đầm hay món trang sức, nàng hoàn toàn trơ trụi. Mà những thứ khác nàng nào có thiết; nàng có cảm giác chỉ có những thứ kia mới xứng với mình. Nàng thiết tha làm đẹp lòng người ta, được đầy sức quyến rũ để có người phải ghanh tị với nàng, để có người đeo đuổi nàng.
Nàng có một người bạn giàu có, quen hồi hai người còn ở trong nhà dòng, nhưng bây giờ nàng chẳng muốn đến chơi nữa, vì mỗi lần đến chơi về thì nàng chỉ thấy tủi phận. Nàng khóc suốt ngày, khóc vì tủi thân, vì uất ức, vì thất vọng, vì khổ sở.
Một tối nọ, chồng nàng về nhà tưng bừng hớn hở, tay cầm một phong thư lớn. Y bảo:
- Cái này cho em đấy.
Nàng xé vội phong thư, lấy ra một tấm thiệp mời in những dòng sau:
“Bộ Trưởng Giáo Dục và Phu Nhân Georges Rampouneau nay trân trọng mời Ông Bà Loisel Thứ Hai này, ngày 18 tháng Giêng đến điện của Bộ chung vui buổi dạ hội.”
Người chồng tưởng nàng sẽ mừng cuống quít, ai dè nàng chỉ giận dỗi quăng tấm thiệp mời xuống bàn, miệng càu nhàu:
- Anh đưa cái đó cho tôi làm gì?
- Kìa em, anh tưởng em sẽ vui chứ. Có bao giờ em đi chơi đâu, dịp cho em đấy, dịp hay nữa là khác. Anh chịu cực khổ lắm mới xin được một vé. Người ta ai cũng mong có một cái; dịp hiếm đấy em, không phải thầy kí nào cũng được mời đâu. Tới đó em chỉ thấy toàn giới quan chức đa.
Nàng đưa đôi mắt ấm ức nhìn chồng, rồi gắt:
- Chứ anh muốn tôi lấy gì mà che lưng?
Người chồng không hề nghĩ đến chuyện đó, ấp úng đáp:
- Thì em còn bộ váy vẫn hay mặc đi xem hát. Anh thấy rất đẹp.
Thấy vợ khóc rưng rức anh chồng nín bặt, trong lòng áy náy. Hai giọt lệ to tràn khỏi khóe mắt nàng từ từ lăn xuống hai bên khóe miệng. Người chồng rối rít:
- Sao vậy em? Sao vậy em?
Nàng nghẹn ngào nuốt cơn xúc động, vừa lau hai má đẫm lệ vừa lấy giọng bình tĩnh đáp:
- Không có chi. Tại không có áo quần nên tôi đành nhịn bữa dạ hội chứ sao. Tấm thiệp mời anh đem cho bạn anh đi, cho ai có vợ phong lưu hơn tôi thì cho.
Y rầu rĩ. Đành đấu dịu:
- Thôi được rồi Mathilde, mua một bộ đầm thích hợp dịp nào cũng mặc được, thứ giản dị thôi, như vậy tốn bao nhiêu?
Nàng ngẫm nghĩ một lát, vừa tính toán vừa cân nhắc nên xin chừng nào để anh thầy kí căn cơ kia khỏi phăng phắc từ chối và thốt lên kinh hoảng. Sau cùng, nàng đáp lập lờ:
- Em không biết đích bao nhiêu, chắc bốn trăm quan thì đủ.
Y tai tái mặt, bấy lâu nay y cũng vừa dành dụm được chừng đó mong tậu được súng để hè sang năm lên đồng Nanterre săn một chuyến, với vài anh bạn Chủ Nhật nào cũng lại đó bắn chiền chiện. Nhưng y cũng bấm bụng:
- Thôi được rồi. Để anh cho em bốn trăm quan. Nhưng mua thì mua cái nào đẹp đẹp một chút.
Gần đến ngày dạ hội, nhưng trông tiểu thư Loisel cứ rầu rầu, đêm ngày thao thức trăn trở, mà váy đầm thì đã mua. Buổi tối nọ, người chồng hỏi:
- Lại chuyện chi nữa à? Ba bốn ngày nay trông em rầu rĩ mãi.
Nàng đáp:
- Không có trang sức đá quí đeo cho đẹp nên em không yên tâm. Đến đó chắc trông em quê mùa lắm. Thà đừng đi còn hơn.
Y bảo:
- Em đeo hoa tươi cũng được. Mùa này thịnh lắm. Chỉ cần mười quan là mua được hai ba cành hồng rực rỡ rồi.
Nhưng không mủi lòng nàng:
- Không được đâu, đi với những phụ nữ giàu sang mà trông mình lam lũ thì mất mặt lắm.
Người chồng chợt nảy ra một ý:
- Em đúng là ngốc như vịt! Sao không tới chỗ chị Forester hỏi mượn vài thứ. Hai người cũng quen thân nhau mà.
Nàng reo lên sung sướng:
- Đúng rồi. Vậy mà em không nghĩ ra.
Hôm sau, nàng sang nhà bạn giãi bày nỗi lòng.
Cô Forester lại tủ gương áo quần lấy ra một hộp tráp lớn, đem ra ngoài và mở mớ nắp bảo tiểu thư Loisel rằng:
- Em thích cái gì thì lựa cái ấy.
Mới đầu, nàng thấy có mấy vòng xuyến, rồi một chuỗi ngọc trai, đến một thánh giá bằng vàng kiểu Venise nạm ngọc rất tinh xảo. Nàng đeo thử những món trang sức ấy vào soi gương, phân vân và luyến tiếc như không muốn tháo trả. Nàng còn hỏi:
- Chị không còn cái nào khác nữa?
- Còn chứ, còn chứ. Em lựa nữa đi. Chị làm sao biết em thích cái gì được.
Bỗng trong một chiếc hộp sa-tanh đen nàng thấy đựng một chuỗi kim cương tuyệt đẹp, trống ngực nàng nổi lên niềm vui khôn xiết. Hai tay nàng run run nâng chuỗi kim cương. Nàng đeo vào cổ, trên chiếc váy đầm mới, soi gương và ngây ngất trước nhan sắc kiều diễm của mình.
Rồi nàng đánh bạo hỏi, giọng ái ngại:
- Cho em mượn cái này nhé, chỉ cái này thôi, được không chị?
- Được chứ sao không.
Nàng bá lấy cổ bạn, hôn lấy hôn để rồi cầm báu vật ra về.
Đã đến ngày dạ hội. Tiểu thư Loisel quả là hoàn mỹ. Nàng đẹp hơn hết thảy những người đàn bà đến dự hội khác, cao sang, duyên dáng, tươi cười và sung sướng vô cùng. Đàn ông ai cũng ngắm nàng không mỏi mắt, hỏi tên nàng, tìm cách tiếp chuyện với nàng. Hết thảy tùy viên của Chính phủ đều muốn được khiêu vũ với nàng. Ngài Bộ trưởng để mắt đến nàng.
Nàng vũ một cách say sưa, ngây ngất; lòng hân hoan không mảy may vướng bận; nhan sắc nàng lên ngôi trong ánh hào quang của cái tuyệt mỹ, trong thoáng hạnh phúc, cái hạnh phúc được đeo đuổi, chiêm ngưỡng; khát vọng của nàng chỗi dậy trong cơn chiến thắng, một chiến thắng quá trọn vẹn và ngọt ngào đối với trái tim người đàn bà.
Nàng ra về thì đã gần bốn giờ sáng. Còn chồng nàng đã cùng với ba ông khách khác ngủ trong một phòng ngoài chật hẹp mãi từ nửa đêm, để cho mấy bà vợ mặc sức vui chơi.
Y khoác lên vai nàng tấm áo choàng mang theo để về nhà, chỉ là tấm áo đơn sơ mặc thường ngày, vẻ sờn cũ tương phản với chiếc váy đầm dạ hội sang trọng. Nàng biết vậy nên muốn sớm thoát ly để khỏi bị các bà mặc áo lông đắt tiền trông thấy.
Loisel kéo nàng lại:
- Khoan đã, coi chừng em ra ngoài bị cảm lạnh đấy. Để anh gọi xe cho.
Nhưng nàng chẳng chịu, nàng bước vội vàng xuống các bậc cấp. Ra ngoài đường không thấy tăm hơi chiếc xe nào, hai người mới bắt đầu tìm, thấy có người đánh xe nào đi từ xa thì cất giọng gọi với.
Hai người cùng nhau đi về phía sông Seine, vừa bực tức vừa run cầm cập. Cuối cùng đến bến tàu, họ gọi được một chiếc xe đêm cũ kĩ, loại ở Paris chỉ thấy xuất hiện về đêm, cơ hồ như sợ ban ngày người ta thấy mình tồi tàn quá.
Xe chở về tận nhà ở đường Rue des Martyrs; hai người cất những bước buồn bã lên cầu thang. Đối với nàng thế là hết. Còn chồng nào vẫn nhớ mười giờ sáng phải lo tới sở.
Nàng đến trước gương bỏ tấm áo choàng vai ra để nhìn lại lần cuối vẻ đẹp lộng lẫy của mình. Bỗng nhiên, nàng rú lên thảng thốt. Chuỗi kim cương trên cổ đã biến mất!
Chồng nàng đương cởi áo, nghe lạ hỏi:
- Gì vậy em?
Nàng quay về phía chồng, kinh hãi:
- Em… em… em làm mất chuỗi kim cương của chị Forester rồi!
Anh chồng kinh hoảng giật bắn lên:
- Hả? Sao mà mất? Thật không?
Hai người tìm kĩ trong nếp gấp áo đầm và áo choàng, rồi trong túi, chỗ nào cũng tìm; nhưng không thấy.
Người chồng mới hỏi:
- Em có chắc là khi ra về vẫn còn đeo trên cổ không?
- Chắc chắn, ngoài tiền sảnh cung điện em còn sờ thấy mà.
- Nhưng nếu mất trên đường về nhà thì phải nghe tiếng rơi chứ. Nhất định là rớt trong xe rồi.
- Đúng, chắc ở trong xe. Anh còn nhớ số xe không?
- Không.Mà em chắc cũng chẳng để ý?
- Không.
Hai vợ chồng nhìn nhau tưng hửng. Sau cùng, Loisel mặc áo quần lại.
- Để anh quay lại chỗ chúng ta đi bộ tìm coi có không.
Thế là y ra đi. Nàng cứ mặc áo đầm vậy ngồi trên ghế chờ; nàng không còn đủ sức lại giường, tiu nghỉu, đờ đẫn như người mất hồn.
Chừng bảy giờ sáng thì người chồng trở về. Y chẳng tìm thấy gì.
Y đến các sở cảnh sát, rồi đến các tòa soạn báo để đăng cáo thưởng; y đến hãng chạy xe; y làm tất cả, tóm lại là chỗ nào thấy lóe một tia hy vọng là y đến.
Suốt ngày nàng ngồi ngóng trong trạng thái ủ rũ trước tai họa khủng khiếp này.
Đến tối thì Loisel trở về, mặt mày nhợt nhạt, hõm hoắc. Y không phát hiện manh mối gì.
Y bảo vợ:
- Em viết cho chị ấy bảo là lỡ làm gãy cái móc chuỗi kim cương, đang đem sửa. Như vậy may ra còn có thì giờ mà xoay xở.
Nàng viết theo lời y.
Đến cuối tuần thì hai người hoàn toàn tuyệt vọng. Loisel già đi năm tuổi; y bảo:
- Phải tìm cách đền chuỗi kim cương cho chị ấy thôi.
Hôm sau, hai người mang chiếc hộp đựng chuỗi kim cương đến người thợ kim hoàn có tên ghi trên nắp hộp. Y tra trong các cẩm nang của người thợ.
- Thưa cô, chuỗi kim cương này không phải tôi bán. Tôi chỉ bán cái hộp thôi.
Họ đi hết hiệu kim hoàn này đến hiệu kim hoàn khác, cố nhớ lại để so, tìm cho được một chuỗi kim cương giống chiếc đã mất; nhưng chỉ thêm tủi cực và phiền não
Ở một tiệm gần điện Palais Royal, họ thấy có một chuỗi kim cương giống chuỗi họ đang tìm y như hai giọt nước. Chuỗi đó để giá bốn mươi ngàn quan. Nhưng có ba mươi sáu ngàn là mua được.
Họ xin người chủ hiệu để ba ngày nữa hẵng bán. Họ lại thỏa thuận đến cuối tháng Hai mà chuỗi ngọc bị mất kia tìm lại được thì y xin đổi lại chuỗi ngọc này lấy ba mươi bốn ngàn quan.
Loisel có mười tám ngàn quan của cha để lại. Số còn lại đành phải vay của người ta.
Y mượn của người này một ngàn quan, người kia năm trăm, chỗ này năm xu, chỗ kia ba xu. Y lập những khế nợ bảo đảm, chịu những thỏa thuận phá sản, chạy đôn chạy đáo những chúa cho vay nặng lãi, không trừa chúa nào. Y đánh liều với quãng đời còn lại của mình, ký đại một thỏa hiệp chẳng biết mình có kham nổi không; rồi sợ những nỗi khổ đương lăm le đâu đây, sợ cảnh cùng quẫn đen tối sắp ập lên đến đầu mình, sợ cảnh túng thiếu vật chất và lương tâm giày vò, y lại hiệu kim hoàn chìa thẳng ba mươi sáu ngàn quan trên bàn tính và mua ngay chuỗi kim cương mới kia.
Tiểu thư Loisel mang chuỗi kim cương lại thì cô Forester xẵng giọng rầy:
- Đáng lẽ cô phải đem trả tôi sớm sớm chứ, lỡ cần thì tôi biết hỏi ai.
Cô Forester không mở hộp kiểm tra như bạn cô đã thấp thỏm lo. Nếu phát hiện chuỗi ngọc đã thay mất, cô ấy sẽ nghĩ gì đây? Sẽ nói gì đây? Biết đâu cô không bảo mình là con ăn cắp?
Giờ Tiểu thư Loisel mới biết một đời nghèo túng nó kinh hoàng làm sao. Tuy vậy, nàng sẵn sàng gánh phần mình một cách quả cảm. Món nợ khủng khiếp kia phải trả hết. Nàng sẽ trả hết. Vợ chồng nàng thôi mướn người giúp việc; hai người đổi chỗ ở; họ đến trọ một gác xép lụp xụp sát mái nhà.
Nàng tập những việc nặng nhọc trong nhà, những việc bếp núc lặt vặt. Nàng rửa chén bát, không tiếc những ngón tay ngọc ngà để kì cọ những bình dính mỡ và đáy xoong nồi. Đồ bẩn một tay nàng giặt giũ, áo quần khăn màng đều không từ nan, nàng giặt rồi đem ra dây phơi; mỗi sáng nàng đưa rác xuống đường và xách nước lên gác, lên mỗi tầng lại nghỉ chân lấy lại sức. Nàng ăn mặc như bình dân, đích thân nàng xách giỏ đến hàng rau quả, hàng tạp hóa, hàng thịt, hàng bánh; nàng không ngại kì kèo mặc cả, chịu cho người ta mắng nhiếc để bòn nhặt, chắt chiu từng đồng xu khốn khổ.
Tháng nào vợ chồng nàng cũng có nợ mãn hạn trả, nên phải mượn đây đắp đó trả lần lần để thêm rộng thời gian.
Tối tối, anh chồng còn nhận sổ sách của một lão chủ hiệu về tính toán; về khuya lại thức chép bản thảo công năm xu một trang.
Hai người sống như vậy mười năm trời.
Mười năm qua đi, hai người trả được nợ, lãi mẹ lãi con, lãi đơn lãi kép chồng chất đều trả sạch không thiếu một xu.
Bây giờ trông Tiểu thư Loisel già đi. Nàng đã thành nội tướng khi cảnh nhà suy đốn, mạnh mẽ và rắn rỏi hẳn lên. Tóc tai bù xù, áo quần lếch thếch, hai tay ửng đỏ, giọng nói oang oang; và nàng đổ nước lênh láng sàn nhà lau chùi sạch sẽ.
Nhiều khi, chồng đương ở sở chưa về thì nàng đến ngồi bên cửa sổ bâng khuâng hồi tưởng buổi tối xa xưa nọ, nàng nhớ đêm dạ hội đó nàng quả xinh đẹp lộng lẫy, không ai là không ngưỡng mộ.
Ví như nàng không đánh mất chuỗi ngọc kia thì sẽ thế nào nhỉ? Ai biết đâu được! Ai biết đâu được! Cuộc đời thật kì lạ, thật vô thường biết bao! Chỉ cần một việc không đâu cũng đủ bốc mình lên cao hay dìm xuống đáy cùng.
Và một Chủ Nhật kia, đương lững thững rẽ vào đại lộ Champs Elysées đi dạo lấy sức sau một tuần vất vả, nàng bỗng thấy có người đàn bà đương dắt con bước đi. Nàng nhận ra cô Forester, vẫn trẻ đẹp, vẫn quyến rũ như ngày nào.
Tiểu thư Loisel xúc động. Có nên nói chuyện với chị ấy không? Nên, nên lắm chứ. Mà bây giờ đã trả xong nợ, nên nàng định bụng sẽ thú nhận tất cả. Nàng quyết như vậy.
Nàng bước mạnh dạn.
- Chị Jeanne.
Người kia không nhận ra nàng, còn lấy làm ngạc nhiên sao có người quê kệch lại chào hỏi mình thân mật như vậy. Nên tỏ vẻ lúng túng:
- Nhưng… bà là ai… tôi không biết. Chắc bà nhầm tôi với ai chứ…
- Không. Em là Mathilde Loisel đây.
Người bạn reo lên:
- Trời, là Mathilde đấy sao! Trông em lạ quá.
- Phải, kể từ hôm cuối cùng gặp chị, em khổ quá, bao nhiêu là ưu phiền … tại chị cả đấy.
- Sao lại tại chị? Lẽ nào!
- Chị còn nhớ chị cho em mượn chuỗi kim cương đeo đi dự dạ hội của ông Bộ không?
- Nhớ chứ. Sao?
- Em làm mất rồi.
- Ý em là sao? Em trả rồi mà.
- Cái em trả chị giống hệt cái của chị cho mượn. Đến bây giờ là mười năm vợ chồng em phải è cổ ra mà trả. Chị hiểu cho là chúng em hoàn toàn tay trắng, nên chẳng phải dễ dàng gì. Cuối cùng cũng trả xong, em mừng quá.
Cô Forester bắt đầu hiểu ra.
- Em bảo đã mang trả cho chị một chuỗi kim cương thật?
- Phải. Chị cũng không ngờ nữa, phải không? Tại nó giống y chang.
Rồi nàng mỉm cười hiện lên một niềm vui kiêu hãnh và ngây thơ.
Cô Forester xúc động mạnh nắm lấy hai tay nàng:
- Chao ôi, khổ thân Mathilde chưa. Cái chuỗi ngọc của chị chỉ là đồ giả. Có nhiều lắm cũng đáng năm quan thôi!
-------------------------
Dịch 2005, theo bản: GUY DE MAUPASSANT
THE BEST SHORT STORIES
Của nhà xuất bản Wordsworth Editions Limited, 1997
Crib Street, Ware, Hertfordshire SG12 9ET
Sửa lại tháng Hai 2009
-------------------------
Nàng là một trang tuyệt sắc; tại định mệnh nhầm lẫn nên đặt nàng vào một gia đình sống về nghề công chức. Không của hồi môn, không tương lai, không hy vọng có người giàu sang biết tới nàng, hiểu nàng, yêu nàng và cưới nàng làm vợ nên tơ duyên nàng đành chấp nhận se với một thầy ký nghèo làm ở Bộ Giáo Dục.
Nàng ăn mặc giản dị vì không có cái để chưng diện, nhưng nàng lại bất hạnh chẳng khác nào đang ở nơi quyền quí mà bị đuổi đi, bởi lẽ đàn bà không có cấp bậc hay thế giá, mà cái sắc, cái duyên và sức quyến rũ chính là gia thế của họ. Tính mẫn cảm, thanh nhã thiên bẩm, trí óc nhu nhược chính là vị thế của phận liễu, nhiều khi nhờ đó mà hàng nữ nhi của lớp người bình dân này sánh kịp những bậc mệnh phụ danh giá.
Nàng khổ sở cùng cực vì nàng tưởng rằng trời sinh nàng ra là để cho nàng vui hưởng đời phú quí. Nàng khổ sở vì cảnh nhà lụp xụp, tường vách thì trơ trụi, ghế ghiếc đã ọp ẹp, mà màn trướng lại chẳng đẹp. Cảnh tồi tàn đó, như người đàn bà bình dân khác ở vào địa vị nàng ắt chẳng lấy làm bận tâm, nhưng nàng thì nàng ray rứt và ghê tởm. Thấy con bé người Breton quê mùa cặm cụi mấy việc hạ tiện trong nhà thì nàng chán nản tuyệt vọng, rồi say sưa mơ tưởng. Nàng tưởng tượng những gian tiền sảnh yên tĩnh treo tranh lụa Á Đông rực rỡ ánh sáng từ mấy cột đèn đồng cao, có hai người hầu phòng cao lớn mặc quần cụt ngang gối nằm trên ghế bành lớn mà mơ màng ngủ trong làn hơi ấm áp từ lò sưởi phát ra. Nàng tưởng tượng những phòng khách rộng rãi treo tranh lụa cổ, bày biện sang trọng và chưng đầy của vật quí hiếm; những gian phòng xinh xắn, sực nức nước hoa dành để tiếp bạn bè thân mật mỗi năm giờ chiều, họ không ai khác ngoài những người đàn ông tiếng tăm được nhiều người đeo đuổi, mà cánh đàn bà ai cũng thèm thuồng, khao khát được lọt vào mắt họ.
Đến bữa cơm tối, trước gian bàn tròn phủ chiếc khăn mới ba ngày dùng, chồng nàng mở nắp liễn xúp và vui vẻ lên tiếng khai bữa: “A, ngon tuyệt! Anh chưa thấy món nào ngon như vậy,” thì ngồi đối diện với chồng, nàng chỉ tưởng đến yến tiệc linh đình dọn trong một phòng ăn trên tường có giăng thảm vẽ tranh người xưa và các giống chim lạ đang bay giữa cảnh tiên, trên bàn bày chén đĩa sáng loáng dọn đủ thứ cao lương mĩ vị; nàng lại tưởng như mình đương thưởng thức món cá hồi hồng hồng hay món cánh chim cút, vừa nghe những lời tán tỉnh rỉ sát tai vừa mỉm cười bí ẩn.
Nàng chẳng có lấy bộ váy đầm hay món trang sức, nàng hoàn toàn trơ trụi. Mà những thứ khác nàng nào có thiết; nàng có cảm giác chỉ có những thứ kia mới xứng với mình. Nàng thiết tha làm đẹp lòng người ta, được đầy sức quyến rũ để có người phải ghanh tị với nàng, để có người đeo đuổi nàng.
Nàng có một người bạn giàu có, quen hồi hai người còn ở trong nhà dòng, nhưng bây giờ nàng chẳng muốn đến chơi nữa, vì mỗi lần đến chơi về thì nàng chỉ thấy tủi phận. Nàng khóc suốt ngày, khóc vì tủi thân, vì uất ức, vì thất vọng, vì khổ sở.
Một tối nọ, chồng nàng về nhà tưng bừng hớn hở, tay cầm một phong thư lớn. Y bảo:
- Cái này cho em đấy.
Nàng xé vội phong thư, lấy ra một tấm thiệp mời in những dòng sau:
“Bộ Trưởng Giáo Dục và Phu Nhân Georges Rampouneau nay trân trọng mời Ông Bà Loisel Thứ Hai này, ngày 18 tháng Giêng đến điện của Bộ chung vui buổi dạ hội.”
Người chồng tưởng nàng sẽ mừng cuống quít, ai dè nàng chỉ giận dỗi quăng tấm thiệp mời xuống bàn, miệng càu nhàu:
- Anh đưa cái đó cho tôi làm gì?
- Kìa em, anh tưởng em sẽ vui chứ. Có bao giờ em đi chơi đâu, dịp cho em đấy, dịp hay nữa là khác. Anh chịu cực khổ lắm mới xin được một vé. Người ta ai cũng mong có một cái; dịp hiếm đấy em, không phải thầy kí nào cũng được mời đâu. Tới đó em chỉ thấy toàn giới quan chức đa.
Nàng đưa đôi mắt ấm ức nhìn chồng, rồi gắt:
- Chứ anh muốn tôi lấy gì mà che lưng?
Người chồng không hề nghĩ đến chuyện đó, ấp úng đáp:
- Thì em còn bộ váy vẫn hay mặc đi xem hát. Anh thấy rất đẹp.
Thấy vợ khóc rưng rức anh chồng nín bặt, trong lòng áy náy. Hai giọt lệ to tràn khỏi khóe mắt nàng từ từ lăn xuống hai bên khóe miệng. Người chồng rối rít:
- Sao vậy em? Sao vậy em?
Nàng nghẹn ngào nuốt cơn xúc động, vừa lau hai má đẫm lệ vừa lấy giọng bình tĩnh đáp:
- Không có chi. Tại không có áo quần nên tôi đành nhịn bữa dạ hội chứ sao. Tấm thiệp mời anh đem cho bạn anh đi, cho ai có vợ phong lưu hơn tôi thì cho.
Y rầu rĩ. Đành đấu dịu:
- Thôi được rồi Mathilde, mua một bộ đầm thích hợp dịp nào cũng mặc được, thứ giản dị thôi, như vậy tốn bao nhiêu?
Nàng ngẫm nghĩ một lát, vừa tính toán vừa cân nhắc nên xin chừng nào để anh thầy kí căn cơ kia khỏi phăng phắc từ chối và thốt lên kinh hoảng. Sau cùng, nàng đáp lập lờ:
- Em không biết đích bao nhiêu, chắc bốn trăm quan thì đủ.
Y tai tái mặt, bấy lâu nay y cũng vừa dành dụm được chừng đó mong tậu được súng để hè sang năm lên đồng Nanterre săn một chuyến, với vài anh bạn Chủ Nhật nào cũng lại đó bắn chiền chiện. Nhưng y cũng bấm bụng:
- Thôi được rồi. Để anh cho em bốn trăm quan. Nhưng mua thì mua cái nào đẹp đẹp một chút.
Gần đến ngày dạ hội, nhưng trông tiểu thư Loisel cứ rầu rầu, đêm ngày thao thức trăn trở, mà váy đầm thì đã mua. Buổi tối nọ, người chồng hỏi:
- Lại chuyện chi nữa à? Ba bốn ngày nay trông em rầu rĩ mãi.
Nàng đáp:
- Không có trang sức đá quí đeo cho đẹp nên em không yên tâm. Đến đó chắc trông em quê mùa lắm. Thà đừng đi còn hơn.
Y bảo:
- Em đeo hoa tươi cũng được. Mùa này thịnh lắm. Chỉ cần mười quan là mua được hai ba cành hồng rực rỡ rồi.
Nhưng không mủi lòng nàng:
- Không được đâu, đi với những phụ nữ giàu sang mà trông mình lam lũ thì mất mặt lắm.
Người chồng chợt nảy ra một ý:
- Em đúng là ngốc như vịt! Sao không tới chỗ chị Forester hỏi mượn vài thứ. Hai người cũng quen thân nhau mà.
Nàng reo lên sung sướng:
- Đúng rồi. Vậy mà em không nghĩ ra.
Hôm sau, nàng sang nhà bạn giãi bày nỗi lòng.
Cô Forester lại tủ gương áo quần lấy ra một hộp tráp lớn, đem ra ngoài và mở mớ nắp bảo tiểu thư Loisel rằng:
- Em thích cái gì thì lựa cái ấy.
Mới đầu, nàng thấy có mấy vòng xuyến, rồi một chuỗi ngọc trai, đến một thánh giá bằng vàng kiểu Venise nạm ngọc rất tinh xảo. Nàng đeo thử những món trang sức ấy vào soi gương, phân vân và luyến tiếc như không muốn tháo trả. Nàng còn hỏi:
- Chị không còn cái nào khác nữa?
- Còn chứ, còn chứ. Em lựa nữa đi. Chị làm sao biết em thích cái gì được.
Bỗng trong một chiếc hộp sa-tanh đen nàng thấy đựng một chuỗi kim cương tuyệt đẹp, trống ngực nàng nổi lên niềm vui khôn xiết. Hai tay nàng run run nâng chuỗi kim cương. Nàng đeo vào cổ, trên chiếc váy đầm mới, soi gương và ngây ngất trước nhan sắc kiều diễm của mình.
Rồi nàng đánh bạo hỏi, giọng ái ngại:
- Cho em mượn cái này nhé, chỉ cái này thôi, được không chị?
- Được chứ sao không.
Nàng bá lấy cổ bạn, hôn lấy hôn để rồi cầm báu vật ra về.
Đã đến ngày dạ hội. Tiểu thư Loisel quả là hoàn mỹ. Nàng đẹp hơn hết thảy những người đàn bà đến dự hội khác, cao sang, duyên dáng, tươi cười và sung sướng vô cùng. Đàn ông ai cũng ngắm nàng không mỏi mắt, hỏi tên nàng, tìm cách tiếp chuyện với nàng. Hết thảy tùy viên của Chính phủ đều muốn được khiêu vũ với nàng. Ngài Bộ trưởng để mắt đến nàng.
Nàng vũ một cách say sưa, ngây ngất; lòng hân hoan không mảy may vướng bận; nhan sắc nàng lên ngôi trong ánh hào quang của cái tuyệt mỹ, trong thoáng hạnh phúc, cái hạnh phúc được đeo đuổi, chiêm ngưỡng; khát vọng của nàng chỗi dậy trong cơn chiến thắng, một chiến thắng quá trọn vẹn và ngọt ngào đối với trái tim người đàn bà.
Nàng ra về thì đã gần bốn giờ sáng. Còn chồng nàng đã cùng với ba ông khách khác ngủ trong một phòng ngoài chật hẹp mãi từ nửa đêm, để cho mấy bà vợ mặc sức vui chơi.
Y khoác lên vai nàng tấm áo choàng mang theo để về nhà, chỉ là tấm áo đơn sơ mặc thường ngày, vẻ sờn cũ tương phản với chiếc váy đầm dạ hội sang trọng. Nàng biết vậy nên muốn sớm thoát ly để khỏi bị các bà mặc áo lông đắt tiền trông thấy.
Loisel kéo nàng lại:
- Khoan đã, coi chừng em ra ngoài bị cảm lạnh đấy. Để anh gọi xe cho.
Nhưng nàng chẳng chịu, nàng bước vội vàng xuống các bậc cấp. Ra ngoài đường không thấy tăm hơi chiếc xe nào, hai người mới bắt đầu tìm, thấy có người đánh xe nào đi từ xa thì cất giọng gọi với.
Hai người cùng nhau đi về phía sông Seine, vừa bực tức vừa run cầm cập. Cuối cùng đến bến tàu, họ gọi được một chiếc xe đêm cũ kĩ, loại ở Paris chỉ thấy xuất hiện về đêm, cơ hồ như sợ ban ngày người ta thấy mình tồi tàn quá.
Xe chở về tận nhà ở đường Rue des Martyrs; hai người cất những bước buồn bã lên cầu thang. Đối với nàng thế là hết. Còn chồng nào vẫn nhớ mười giờ sáng phải lo tới sở.
Nàng đến trước gương bỏ tấm áo choàng vai ra để nhìn lại lần cuối vẻ đẹp lộng lẫy của mình. Bỗng nhiên, nàng rú lên thảng thốt. Chuỗi kim cương trên cổ đã biến mất!
Chồng nàng đương cởi áo, nghe lạ hỏi:
- Gì vậy em?
Nàng quay về phía chồng, kinh hãi:
- Em… em… em làm mất chuỗi kim cương của chị Forester rồi!
Anh chồng kinh hoảng giật bắn lên:
- Hả? Sao mà mất? Thật không?
Hai người tìm kĩ trong nếp gấp áo đầm và áo choàng, rồi trong túi, chỗ nào cũng tìm; nhưng không thấy.
Người chồng mới hỏi:
- Em có chắc là khi ra về vẫn còn đeo trên cổ không?
- Chắc chắn, ngoài tiền sảnh cung điện em còn sờ thấy mà.
- Nhưng nếu mất trên đường về nhà thì phải nghe tiếng rơi chứ. Nhất định là rớt trong xe rồi.
- Đúng, chắc ở trong xe. Anh còn nhớ số xe không?
- Không.Mà em chắc cũng chẳng để ý?
- Không.
Hai vợ chồng nhìn nhau tưng hửng. Sau cùng, Loisel mặc áo quần lại.
- Để anh quay lại chỗ chúng ta đi bộ tìm coi có không.
Thế là y ra đi. Nàng cứ mặc áo đầm vậy ngồi trên ghế chờ; nàng không còn đủ sức lại giường, tiu nghỉu, đờ đẫn như người mất hồn.
Chừng bảy giờ sáng thì người chồng trở về. Y chẳng tìm thấy gì.
Y đến các sở cảnh sát, rồi đến các tòa soạn báo để đăng cáo thưởng; y đến hãng chạy xe; y làm tất cả, tóm lại là chỗ nào thấy lóe một tia hy vọng là y đến.
Suốt ngày nàng ngồi ngóng trong trạng thái ủ rũ trước tai họa khủng khiếp này.
Đến tối thì Loisel trở về, mặt mày nhợt nhạt, hõm hoắc. Y không phát hiện manh mối gì.
Y bảo vợ:
- Em viết cho chị ấy bảo là lỡ làm gãy cái móc chuỗi kim cương, đang đem sửa. Như vậy may ra còn có thì giờ mà xoay xở.
Nàng viết theo lời y.
Đến cuối tuần thì hai người hoàn toàn tuyệt vọng. Loisel già đi năm tuổi; y bảo:
- Phải tìm cách đền chuỗi kim cương cho chị ấy thôi.
Hôm sau, hai người mang chiếc hộp đựng chuỗi kim cương đến người thợ kim hoàn có tên ghi trên nắp hộp. Y tra trong các cẩm nang của người thợ.
- Thưa cô, chuỗi kim cương này không phải tôi bán. Tôi chỉ bán cái hộp thôi.
Họ đi hết hiệu kim hoàn này đến hiệu kim hoàn khác, cố nhớ lại để so, tìm cho được một chuỗi kim cương giống chiếc đã mất; nhưng chỉ thêm tủi cực và phiền não
Ở một tiệm gần điện Palais Royal, họ thấy có một chuỗi kim cương giống chuỗi họ đang tìm y như hai giọt nước. Chuỗi đó để giá bốn mươi ngàn quan. Nhưng có ba mươi sáu ngàn là mua được.
Họ xin người chủ hiệu để ba ngày nữa hẵng bán. Họ lại thỏa thuận đến cuối tháng Hai mà chuỗi ngọc bị mất kia tìm lại được thì y xin đổi lại chuỗi ngọc này lấy ba mươi bốn ngàn quan.
Loisel có mười tám ngàn quan của cha để lại. Số còn lại đành phải vay của người ta.
Y mượn của người này một ngàn quan, người kia năm trăm, chỗ này năm xu, chỗ kia ba xu. Y lập những khế nợ bảo đảm, chịu những thỏa thuận phá sản, chạy đôn chạy đáo những chúa cho vay nặng lãi, không trừa chúa nào. Y đánh liều với quãng đời còn lại của mình, ký đại một thỏa hiệp chẳng biết mình có kham nổi không; rồi sợ những nỗi khổ đương lăm le đâu đây, sợ cảnh cùng quẫn đen tối sắp ập lên đến đầu mình, sợ cảnh túng thiếu vật chất và lương tâm giày vò, y lại hiệu kim hoàn chìa thẳng ba mươi sáu ngàn quan trên bàn tính và mua ngay chuỗi kim cương mới kia.
Tiểu thư Loisel mang chuỗi kim cương lại thì cô Forester xẵng giọng rầy:
- Đáng lẽ cô phải đem trả tôi sớm sớm chứ, lỡ cần thì tôi biết hỏi ai.
Cô Forester không mở hộp kiểm tra như bạn cô đã thấp thỏm lo. Nếu phát hiện chuỗi ngọc đã thay mất, cô ấy sẽ nghĩ gì đây? Sẽ nói gì đây? Biết đâu cô không bảo mình là con ăn cắp?
Giờ Tiểu thư Loisel mới biết một đời nghèo túng nó kinh hoàng làm sao. Tuy vậy, nàng sẵn sàng gánh phần mình một cách quả cảm. Món nợ khủng khiếp kia phải trả hết. Nàng sẽ trả hết. Vợ chồng nàng thôi mướn người giúp việc; hai người đổi chỗ ở; họ đến trọ một gác xép lụp xụp sát mái nhà.
Nàng tập những việc nặng nhọc trong nhà, những việc bếp núc lặt vặt. Nàng rửa chén bát, không tiếc những ngón tay ngọc ngà để kì cọ những bình dính mỡ và đáy xoong nồi. Đồ bẩn một tay nàng giặt giũ, áo quần khăn màng đều không từ nan, nàng giặt rồi đem ra dây phơi; mỗi sáng nàng đưa rác xuống đường và xách nước lên gác, lên mỗi tầng lại nghỉ chân lấy lại sức. Nàng ăn mặc như bình dân, đích thân nàng xách giỏ đến hàng rau quả, hàng tạp hóa, hàng thịt, hàng bánh; nàng không ngại kì kèo mặc cả, chịu cho người ta mắng nhiếc để bòn nhặt, chắt chiu từng đồng xu khốn khổ.
Tháng nào vợ chồng nàng cũng có nợ mãn hạn trả, nên phải mượn đây đắp đó trả lần lần để thêm rộng thời gian.
Tối tối, anh chồng còn nhận sổ sách của một lão chủ hiệu về tính toán; về khuya lại thức chép bản thảo công năm xu một trang.
Hai người sống như vậy mười năm trời.
Mười năm qua đi, hai người trả được nợ, lãi mẹ lãi con, lãi đơn lãi kép chồng chất đều trả sạch không thiếu một xu.
Bây giờ trông Tiểu thư Loisel già đi. Nàng đã thành nội tướng khi cảnh nhà suy đốn, mạnh mẽ và rắn rỏi hẳn lên. Tóc tai bù xù, áo quần lếch thếch, hai tay ửng đỏ, giọng nói oang oang; và nàng đổ nước lênh láng sàn nhà lau chùi sạch sẽ.
Nhiều khi, chồng đương ở sở chưa về thì nàng đến ngồi bên cửa sổ bâng khuâng hồi tưởng buổi tối xa xưa nọ, nàng nhớ đêm dạ hội đó nàng quả xinh đẹp lộng lẫy, không ai là không ngưỡng mộ.
Ví như nàng không đánh mất chuỗi ngọc kia thì sẽ thế nào nhỉ? Ai biết đâu được! Ai biết đâu được! Cuộc đời thật kì lạ, thật vô thường biết bao! Chỉ cần một việc không đâu cũng đủ bốc mình lên cao hay dìm xuống đáy cùng.
Và một Chủ Nhật kia, đương lững thững rẽ vào đại lộ Champs Elysées đi dạo lấy sức sau một tuần vất vả, nàng bỗng thấy có người đàn bà đương dắt con bước đi. Nàng nhận ra cô Forester, vẫn trẻ đẹp, vẫn quyến rũ như ngày nào.
Tiểu thư Loisel xúc động. Có nên nói chuyện với chị ấy không? Nên, nên lắm chứ. Mà bây giờ đã trả xong nợ, nên nàng định bụng sẽ thú nhận tất cả. Nàng quyết như vậy.
Nàng bước mạnh dạn.
- Chị Jeanne.
Người kia không nhận ra nàng, còn lấy làm ngạc nhiên sao có người quê kệch lại chào hỏi mình thân mật như vậy. Nên tỏ vẻ lúng túng:
- Nhưng… bà là ai… tôi không biết. Chắc bà nhầm tôi với ai chứ…
- Không. Em là Mathilde Loisel đây.
Người bạn reo lên:
- Trời, là Mathilde đấy sao! Trông em lạ quá.
- Phải, kể từ hôm cuối cùng gặp chị, em khổ quá, bao nhiêu là ưu phiền … tại chị cả đấy.
- Sao lại tại chị? Lẽ nào!
- Chị còn nhớ chị cho em mượn chuỗi kim cương đeo đi dự dạ hội của ông Bộ không?
- Nhớ chứ. Sao?
- Em làm mất rồi.
- Ý em là sao? Em trả rồi mà.
- Cái em trả chị giống hệt cái của chị cho mượn. Đến bây giờ là mười năm vợ chồng em phải è cổ ra mà trả. Chị hiểu cho là chúng em hoàn toàn tay trắng, nên chẳng phải dễ dàng gì. Cuối cùng cũng trả xong, em mừng quá.
Cô Forester bắt đầu hiểu ra.
- Em bảo đã mang trả cho chị một chuỗi kim cương thật?
- Phải. Chị cũng không ngờ nữa, phải không? Tại nó giống y chang.
Rồi nàng mỉm cười hiện lên một niềm vui kiêu hãnh và ngây thơ.
Cô Forester xúc động mạnh nắm lấy hai tay nàng:
- Chao ôi, khổ thân Mathilde chưa. Cái chuỗi ngọc của chị chỉ là đồ giả. Có nhiều lắm cũng đáng năm quan thôi!
-------------------------
Dịch 2005, theo bản: GUY DE MAUPASSANT
THE BEST SHORT STORIES
Của nhà xuất bản Wordsworth Editions Limited, 1997
Crib Street, Ware, Hertfordshire SG12 9ET
Sửa lại tháng Hai 2009
-------------------------
Comments
Post a Comment