Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh
Tôi nghe như vầy:
Lúc
ấy Phật ở trong vườn Kì Thọ Cấp Cô Độc thành Xá Vệ. Tôn giả Đại Mục Kiền Liên mới
chứng đắc lục thông, muốn cứu cha mẹ để báo ân bú mớm, dùng đạo nhãn quán sát
thế gian, thấy mẹ đang ở trong cõi ngạ quỷ, không được ăn uống, da liền với
xương. Mục Liên bi ai, lấy bát cơm đầy đưa xuống cho mẹ. Bà đón lấy bát, tay phải
che cơm, tay trái bốc ăn. Cơm chưa đưa vô miệng thì hóa thành than đỏ, cuối
cùng không ăn được. Mục Liên kêu lên, khóc lóc thảm thiết, đi nhanh về thưa với
Phật, trần thuật lại đầy đủ.
Phật
nói: “Mẹ ông tội căn sâu dày, chỉ sức ông thôi thì làm chi được! Ông tuy hiếu
thuận, vang cả trời đất, nhưng đến cả thiên thần, địa thần, tà ma, ngoại đạo, đạo
sĩ, hay tứ thiên vương thần cũng không làm chi được! Phải có uy thần của chúng
tăng khắp mười phương mới giải thoát được. Bây giờ ta nói cho ông phép cứu tế,
khiến cho tất cả những ai chịu nạn đều khỏi ưu khổ, tội chướng tiêu trừ.”
Phật
nói Mục Liên: “Thập phương chúng tăng ngày mười lăm tháng Bảy là tự tứ[1],
ai vì cha mẹ bảy đời và cha mẹ hiện tại đang chịu nguy nan hãy soạn một bữa cơm
đủ bách vị và ngũ quả, nước rót đầy thau, dầu thơm, đèn đuốc, giường chiếu và chỗ
ngồi, dành những gì ngon và đẹp nhất thế gian cúng dưỡng chúng tăng đức lớn khắp
thập phương. Trong ngày ấy, tất cả thánh chúng dù đang thiền định trong núi, hoặc
đắc tứ đạo quả, hoặc kinh hành dưới tán cây, hoặc lục thông tự tại, giáo hóa
thanh văn, duyên giác, hoặc thập địa bồ tát đại nhân nhưng quyền hiện thành
thân tì khưu ở trong đại chúng -thảy đều nhất tâm thọ nhận cơm bát-hòa-la ấy. Hàng
thánh chúng đầy đủ thanh tịnh giới như vậy đức của họ rất lớn, kẻ cung dưỡng
chúng tăng đang tự tứ đó thì cha mẹ hiện tại, cha mẹ bảy đời, và sáu bên thân
thuộc đều ra khỏi cảnh khổ tam đồ[2],
tới một lúc nào đó sẽ giải thoát, thức ăn đồ uống tự nhiên có. Ai cha mẹ
còn sống thì phúc lạc trăm năm; còn cha mẹ bảy đời vừa qua sẽ sinh lên cõi trời,
tự tại hóa sinh, nhập vào ánh sáng hoa trời[3],
hưởng vô lượng khoái lạc.”
Rồi
Phật dạy thập phương chúng tăng trước hãy hành thiền định ý, chú nguyện cho cha
mẹ bảy đời của nhà chí chủ, xong mới ăn. Lúc tiếp nhận bát, trước tiên đưa tới trước
Phật tháp, chúng tăng chúc nguyện xong rồi ăn.
Lúc
ấy, tì khưu Mục Liên cùng với hội bồ tát chúng ai nấy đều rất hoan hỉ, tiếng khóc
bi thảm của Mục Liên tự nhiên dứt hẳn. Lúc ấy mẹ của Mục Liên ngay trong ngày ấy
thoát được cái khổ của một kiếp ngạ quỷ.
Mục
Liên lại thưa Phật: “Cha mẹ thân sinh của đệ tử hưởng được công đức tam bảo là nhờ
sức uy thần của chúng tăng. Nếu đời vị lai sau này đệ tử Phật có người hành hiếu
thuận, cũng cử hành vu-lan-bồn[4]
này, cứu độ cha mẹ thân sinh và cha mẹ bảy đời, thì có được không?”
Phật
đáp: ‘Hỏi rất hay! Ta đang muốn nói thì ông hỏi. Thiện nam tử, nếu có tì khưu
hay tì khưu ni, quốc vương hay hay thái tử, vương tử hay đại thần tể tướng, tam
công bách quan, hay vạn dân đại chúng ai hành hiếu từ, đều nên vì cha mẹ thân
sinh hiện tại, cha mẹ bảy đời vừa qua mà vào ngày mười lăm tháng bảy – ngày Phật
hoan hỉ, ngày chư tăng tự tứ - soạn bách vị ẩm thực làm vu-lan-bồn, thí cho thập phương tăng đang tự tứ. Cầu xin cho cha mẹ hiện
tại thọ mệnh bách niên, vô bệnh, và không gặp tai hoạn khổ não, cho cha mẹ bảy
đời ra khỏi cảnh khổ ngạ quỷ, sinh vào cõi trời hay cõi người, phúc lạc vô
biên.”
Phật
nói các thiện nam tử, thiện nữ nhân: “Đệ tử Phật ai tu hiếu thuận, thì trong mọi
lúc hãy nhớ tới cha mẹ, cung dưỡng cho tới cha mẹ bảy đời. Hàng năm cứ vào ngày
mười lăm tháng bảy, hãy lấy hiếu thuận lòng từ nhớ nghĩ cha mẹ thân sinh, cha mẹ
bảy đời mà làm vu-lan-bồn, thí cho Phật và chúng tăng, để báo ân cha mẹ nuôi lớn,
thương yêu mình. Tất cả đệ tử Phật đều nên phụng trì pháp ấy.”
[1] Pravāranā, dịch âm là 鉢和羅 bát-hòa-la. Ngày cuối của kì an cư mùa hạ, chư tăng giúp nhau
chỉ ra những sai lầm trên ba phương diện kiến, văn, nghi; sám hối và thanh tịnh
thân tâm, sinh ra niềm vui, nên gọi là tự tứ.
[2] địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh
[3] 天華光
[4] 盂蘭盆. Dịch âm của chữ Phạn Ullambana, dịch ý là đảo huyền 倒懸 treo ngược, trỏ cảnh thống khổ vô cùng mà người đã chết phải chịu.
Comments
Post a Comment