Skip to main content

Khúc Củi

Guy de Maupassant

Gian phòng khách nhỏ giăng kín rem vải dày phảng phất mùi thơm kín đáo. Trong lò sưởi lớn lửa cháy rực và trên bệ lò sưởi một ngọn đèn đơn lẻ hắt một thứ anh sáng dìu dịu xuống hai người đương nói chuyện.
Chủ nhà là một bà đã lớn tuổi, tóc bạc trắng, nhưng da chưa nếp nhăn hãy còn mịn như loại giấy hảo hạng và thơm tho dầu thơm cùng những hương tinh khiết bà đã tắm gội bao năm nay.
Khách là một người bạn cố tri, độc thân, hay đến chơi, một người bạn cùng đi trên đường đời, thế thôi không có gì hơn.
Hai người ngừng nói chừng đã một phút, đương nhìn ngọn lửa mơ màng mông lung. Trong khoảng im lặng ấy, bạn bè ngồi bên nhau không hễ cứ muốn cho vui là phải nói luôn, đột nhiên một khúc củi lớn, một gốc cây tua tủa rễ đương cháy ngùn ngụt bỗng đổ sập xuống. Khúc củi văng qua tấm vĩ chắn tro rồi lăn ra tấm thảm giữa phòng khách, bắn tàn lửa đỏ rực ra bốn phía. Bà kia khẽ kêu một tiếng rồi vụt đứng toan bỏ chạy, ông bạn hất khúc củi vào lò sưởi rồi lấy ủng dập tắt vụn than toé khắp nơi.
Sự cố qua đi thì một mùi khét lan khắp phòng, người đàn ông lại ngồi đối diện với bạn, nhìn bà mỉm cười, vừa chỉ khúc củi vừa nói:
- Tôi không lấy vợ cũng là vì như thế.
Bà kinh ngạc nhìn ông bằng cái nhìn dò hỏi của những người đàn bà muốn biết hết tất cả, và trong con mắt của những người đàn bà không còn trẻ trung kia hiện lên một nỗi thắc mắc phức tạp, nhiều khi tinh quái. Bà hỏi:
- Sao vậy?
Ông đáp:
- Chuyện dài lắm, hơi buồn mà chẳng hay ho gì. Tôi và một anh bạn chí thân tên là Julien tự dưng lạnh nhạt với nhau, bạn bè cũ của tôi người nào cũng ngạc nhiên, không hiểu sao hai người thân thiết, quấn quít nhau như chúng tôi mà bỗng nhiên thành hai kẻ gần như xa lạ. Để tôi kể bà nghe duyên cớ vì đâu.
“Trước kia anh ta với tôi có hồi ở chung với nhau. Chúng tôi không rời nhau bao giờ, tình thân gắn bó chúng tôi với nhau tưởng như không sao đứt đoạn được.
“Tối nọ anh ta đi đâu về cho tôi hay là sắp lấy vợ. Tôi nghe mà sửng sốt như bị anh ta cướp mất hay lừa dối tôi điều gì. Chơi với bạn mà bạn đi bạn đi lấy vợ thì thế là hết, hết ráo. Thứ tình ghen tuông của người đàn bà, thứ tình mù quáng đượm vẻ ưu tư và nhục dục ấy không dung nổi tình gắn bó chân thực và mãnh liệt, một sự gắn bó về lý trí, tình cảm và lòng tin giữa hai người đàn ông.
“Bà coi, dù cho mối tình ràng buộc người đàn ông với người đàn bà có lớn lao chừng nào thì họ vẫn là hai kẻ xa lạ về tâm hồn lẫn trí tuệ, họ vẫn là hai kẻ đối nghịch, thuộc về hai chủng loại khác biệt. Luôn luôn phải có kẻ thắng người bại, kẻ làm chủ người làm nô lệ, không người này thì người kia, cứ thế mãi không bao giờ bình đẳng với nhau. Họ siết tay nhau, những bàn tay run rẩy vì ái tình sôi nổi, chứ không bao giờ siết tay nhau bằng cái siết tay trung thành, mạnh mẽ và lâu bền cơ hồ như mở rộng con tim và trải rộng tấm lòng trong cơn dào dạt tình cảm cao thượng, mạnh mẽ và chân thành. Những triết nhân thời cổ không cần lấy vợ và sinh con làm nguồn an ủi lúc về già, mà nếu có thì con cái sau này cũng lìa bỏ họ; không, họ tìm một người bạn tin cậy, bạn tốt và sống với bạn cho tới già trong sự hợp nhất tư tưởng chỉ có đàn ông mới có.
“Hư, anh bạn Julien tôi lấy vợ. Cô vợ xinh đẹp, có duyên, tóc xoắn, vàng hoe, mũm mĩm tươi tắn, có vẻ yêu say đắm. Mới đầu tôi rất ít tới nhà chơi vì thấy tới chỉ thêm thừa. Nhưng họ lại muốn kéo tôi tới, mời mọc hoài, có vẻ mến tôi lắm. Dần dần thì tôi xiêu lòng chiều theo cái thú êm đềm trong cuộc sống chung ấy. Tôi hay ăn tối ở chỗ hai người, rút cục là đến đêm về nhà thì tôi tưởng mình cũng nên làm như anh ta mà cưới vợ, vì căn nhà trống tuềnh toàng của tôi giờ sao mà buồn hiu buồn hắt.
“Hai anh chị tỏ ra yêu nhau tha thiết và cập kề như hình với bóng.
“Thế rồi một buổi tối nọ Julien viết thư bảo tôi đến ăn tối, tôi đi như thường.
“Anh ta bảo: ‘Cậu ơi, ăn xong mình phải đi có chút việc, mười một giờ mới về, đúng mười một giờ là mình về, nhờ cậu ở lại chơi với Bertha.’
“Người vợ trẻ mỉm cười. Chị ta bảo tôi: ‘Mời anh ở lại là ý em đa.’
“Tôi đưa tay cho chị ta, bảo: ‘Chị thật quí hoá.’ Và tôi thấy ngón tay mình người ta giữ lâu và thân thiện lắm, nhưng để ý làm gì chuyện đó. Chúng tôi vào bàn ăn, đến tám giờ thì Julien đi.
“Anh ta vừa đi khỏi thì dường như giữa vợ anh ta và tôi liền nảy sinh một sự ngượng ngập lạ lùng. Có bao giờ chúng tôi ngồi riêng với nhau đâu, và mặc dầu bấy lâu đã có thân thiết hơn nhưng ngồi nói chuyện riêng với nhau như vậy lại đặt chúng tôi vào tình thế mới. Mới đầu tôi nói vơ vẩn mấy câu để xua cái khoảng im lặng khó xử ấy, nhưng chị ta không đáp lời nào, chỉ cúi đầu ngồi lơ đãng trước mặt tôi làm như đương suy nghĩ việc gì khó khăn lắm. Tôi nói không đâu chập thì không biết gì mà nói nữa nên làm thinh. Nhiều khi ta ngạc nhiên muốn tìm cho ra cái để nói cũng khó lắm.
“Và rồi tôi lại cảm thấy trong bầu không khí có cái gì bàng bạc, không thể diễn tả được, cái gì đó bí ẩn mà linh tính báo cho mình biết là người khác đương có những ý đồ đen tối liên quan tới mình mà mình không biết là tốt hay xấu.
“Cái im lặng ngột ngạt ấy kéo dài một lát thì Berthia bảo tôi:
- Anh cho thêm củi vào lò kẻo lửa sắp tắt rồi.
“Tôi mở thùng đựng củi cũng để ngay chỗ như của bà đây, lấy khúc củi lớn nhất rồi đun chồng lên trên những khúc khác đã cháy hết ba phần. Gian phòng lại thinh lặng.
“Mấy phút sau thì khúc củi cháy rừng rực làm nóng cả mặt. Người thiếu phụ trẻ ngước mắt nhìn tôi, nom rất lạ lùng.
“Chị ta bảo tôi:
- Nóng quá, ta lại chỗ ghế dài kia ngồi đi.
“Chúng tôi lại ghế sofa ngồi. Đột nhiên chị ta nhìn thẳng mặt tôi hỏi:
- Giả như có người bảo là người ta yêu anh thì anh làm gì?
“Tôi sửng sốt, đáp:
- Chao! Như vậy thì đột ngột quá, mà cũng phải coi người đó thế nào nữa chứ.
“Chị ta rộ lên cười, một cái cười dòn khô, khấp khởi, rung cả mình mẩy. Cái cười nó lạc lõng, nghe như thuỷ tinh mỏng vỡ.
“Chị ta nói tiếp:
- Đàn ông không táo bạo, cũng không tàn nhẫn.
“Im lặng một lát, chị ta hỏi:
- Anh có bao giờ yêu ai chưa, Monsieur Paul?
“Tôi thú nhận là mình có yêu, chị ta bảo kể cho chị ta nghe thì tôi mới kể một chuyện yêu đương dang dở. Chị ta chăm chú nghe, nhưng luôn tỏ vẻ bất mãn và khinh thị. Đột nhiên chị nói:
- Không, anh hiểu tình yêu chưa đúng. Em nghĩ rằng yêu mà thắm thiết thì tâm trí phải thao thức, thần kinh phải thác loạn, đầu óc phải rối bời, tình yêu đó phải … nói thế nào nhỉ? Nguy hiểm, nhiều khi đáng sợ, gần như phạm một tội ác và phạm thượng, yêu phải như là một thứ phản bội. Ý em là yêu là phải vượt qua khuôn khổ pháp luật cùng những mối ràng buộc ruột thịt và những bổn phận thiêng liêng. Tình yêu mà đằm thắm, dễ dàng, tình yêu mà hợp pháp, mà không gây nguy hại thì có còn là tình yêu không?
“Tôi không biết nên đáp ra sao và tự thâm tâm tôi suy tư triết lý như vầy: ‘Ôi! Đàn bà! Các người hiện rõ chân tướng rồi đó!’
“Trong lúc nói chị ta làm ra vẻ đoan trang thánh thiện, rồi chị ta ngả mình lên nệm, nằm dài ra ghế, đầu tựa vào vai tôi, váy hơi vén cao để lộ bít tất màu đỏ mà ánh lửa hắt vào trông càng loang loáng.
- Có phải em làm anh sợ không?
“Tôi chối. Và chị ta ngả hẳn vào ngực tôi, rồi không nhìn tôi nói:
- Giả sử bây giờ em nói là em yêu anh thì anh làm gì?
“Tôi chưa tìm được câu trả lời thì chị ta đã ôm lấy cổ tôi kéo vội xuống và áp môi lên môi tôi.
“Trời ạ! Bà biết không, tôi xin cho bà hay là tôi chẳng thấy vui vẻ tí nào. Gì chứ lừa dối Julien thì không. Đời nào tôi làm tình nhân của hạng đàn bà điên dại, dở hơi và quỷ quyệt đó, cái hạng dâm loạn mà rõ ràng là anh chồng bây giờ không đủ thoả mãn nữa.
“Tiếp tục phản bạn, lừa dối bạn, đùa rỡn chuyện yêu đương chỉ vì thấy trái cấm là thích, thấy có nguy hại, thấy tình bạn bị phản bội! Không đời nào, tôi không làm vậy được, mà biết làm sao đây? Bắt chước thánh Joseph[1] thì ngờ nghệch quá, mà lại khó vì con mẹ này sa ngã mà cứ làm cho người mê mẩn tâm thần, ả táo tợn quá, cứ thèm khát phập phồng bừng bừng. Kẻ nào chưa hề được một người đàn bà sẵn sàng trao thân cho mình hôn say đắm mãnh liệt lên môi, thì cứ việc nhặt viên đá đầu tiên mà ném tôi.[2]
“Trời ạ, thêm một chút nữa… bà hiểu không? Thêm một chút nữa thì… tôi đã… không.. ả đã! Xin lỗi bà, anh ta đã… thì có tiếng động lớn khiến chúng tôi giật mình. Khúc củi hất đổ cái xúc than và tấm vĩ chắn lò rồi văng ra giữa phòng, đốt cháy tấm thảm và lăn xuống dưới một cái ghế bành và chắc chắn sẽ thiêu cháy ghế đó.
“Tôi giật nẩy như điên, đương bỏ khúc củi cứu tinh vào lại lò lửa thì cửa lớn xịch mở và Julien bước vào.
Anh ta reo lên sung sướng thấy rõ.
- Được nghỉ rồi. Ai mà ngờ công việc xong trước hai tiếng đồng hồ.
“Phải bà ạ, không có khúc củi ấy thì tôi đã bị bắt quả tang, mà hậu quả ra sao thì bà biết rồi đấy.
“Bà hãy tin là không bao giờ tôi để mình rơi vào tình cảnh tương tự như vậy nữa đâu, không đời nào. Chẳng mấy lâu sau thì tôi nhận thấy Julien bắt đầu như người ta hay nói là “làm mặt lạnh”. Vợ anh ta rõ ràng là mỗi ngày mỗi làm hao mòn tình bạn giữa chúng tôi. Dần dần anh ta xa lánh tôi, giờ thì chúng tôi đã tuyệt giao.“Không bao giờ tôi lấy vợ, bây giờ thì điều ấy hẳn không khiến bà ngạc nhiên.”
-------------------------------
[1] Trong Kinh Cựu Ước. Joseph là người Do Thái, do các anh trong nhà ganh tị xua đuổi nên lưu lạc sang Ai Cập. Ở đây chàng được lòng của một sĩ quan chỉ huy vệ binh của Pharahoh, ông này cho chàng làm quản gia. Vợ ông này thấy chàng đẹp trai nhiều lần dụ dỗ chàng ăn nằm với bà, nhưng chàng nhất định từ chối.
[2] Một nhóm người bắt một người đàn bà ngoại tình đến trước Jesus để thử ông coi ông xử trí thế nào, nếu ông bảo ném đá bà đi thì trái giáo lý yêu thương ông giảng dạy, nếu bảo tha thì ông làm trái luật truyền thống. Ông không đáp liền, lấy đá vẽ nghuệch ngoạc lên đất, rồi ngửng đầu lên đáp: Mấy người ai không có tội thì nhặt đá mà ném bà.
Dịch theo bản điện tử tại www.web-books.com/eBooks/web-books.htm
Tham khảo bản GUY DE MAUPASSANT
THE BEST SHORT STORIES
Của nhà xuất bản Wordsworth Editions Limited, 1997
Crib Street, Ware, Hertfordshire SG12 9ET
-------------------------------

Comments

Popular Posts

21. Chuyện Người Con Gái Xinh Đẹp Của Vua Ba-tư-nặc

Truyện 21. Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 2.  Xưa vua Ba-tư-nặc có một người con gái tên là Thiện Quang, thông minh đoan chánh, cha mẹ thương yêu, toàn cung ái kính. Vua cha nói nàng, “Con nhờ sức cha mà được toàn cung ái kính.” Con gái đáp cha rằng, “Con có nghiệp lực, chứ không nhờ sức cha.” Hỏi như vậy ba lần đều đáp như trước. Lúc ấy vua tức giận nói rằng, “Nay ta muốn thử coi con có dựa vào nghiệp lực mình không. Không có cái gọi là nghiệp lực.” Ra lệnh cho tả hữu vô tìm khắp trong thành ấy một người ăn mày nghèo rốt. Quan lính theo lệnh vua đi tìm, được một người hạ tiện dắt về gặp vua. Vua liền lấy con gái Thiện Quang trao phó cho kẻ hạ tiện ấy. Vua nói con gái, “Nếu con có nghiệp lực riêng của mình chứ không nhờ vào ta, từ nay trở đi để nghiệm coi là biết.” Thiện Quang vẫn đáp, “Con có nghiệp lực.” Rồi cùng với cùng nhân dắt nhau ra đi. Hỏi chồng rằng, “Anh trước đây có cha mẹ không?” Cùng nhân đáp, “Cha tôi trước đây là đệ nhất trưởng giả trong thành Xá-vệ, cha mẹ trong nhà đều đã qu

74. Phật Kể Chuyện Ngày Trước Độ Các Ông A-nặc Kiều-trần-như

Truyện 74, Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 6  Phật ở thành Vương Xá thuyết pháp độ A Nặc Kiều Trần Như, Thích Đề Hoàn Nhân, và vua Tần Bà Sa La. Mấy ông ấy mỗi người dắt theo tám vạn bốn ngàn người, tất cả đều đắc đạo. Chư tì-khâu lấy làm lạ từng ấy người được dứt hẳn ba đường ác. Phật nói, “Chẳng những ngày nay thôi, trong đời quá khứ cũng đã từng tế bạt họ.”  Chư tì-khâu hỏi, “Chuyện tế bạt trong đời trước đó như thế nào?”  Phật kể, “Trong đời quá khứ có một đoàn người đi buôn, họ ra biển tìm báu vật, trên đường về tới một cách đồng lớn thì gặp mãng xà, mãng xà thân ngóc lên cao sáu câu-lâu-xá, vây quanh đoàn thương nhân, bốn phía đều phong tỏa không có lối thoát. Đoàn thương nhân trong bụng kinh hãi, ai nấy đều kêu lên, ‘Thiên thần địa thần có lòng từ bi xin cứu chúng tôi.’ Lúc ấy có voi trắng với sư tử đi tới, sư tử nhảy tới đánh dập đầu mãng xà, khiến cho đoàn thương nhân thoát đại nạn. Mãng xà kịp phun độc trong miệng thương hại sư tử và cả voi trắng. Lúc sư tử và voi trắng mạng sống vẫn

34. Quán Vô Thường Là Thuốc Trị Nhiều Bệnh

Dụ 34. Tạp Thí Dụ Kinh T0207 Thiên hạ thảo mộc đều làm thuốc được, chẳng qua do không sành sỏi nên không biết mà thôi. Xưa có thánh y vương tên là Kì-vực, năng hòa hợp dược thảo làm hình đồng tử, ai thấy cũng vui mừng, chúng bệnh đều khỏi. Hoặc lấy một loại cỏ trị chúng bệnh, hoặc lấy nhiều loại cỏ trị nhất bệnh, cỏ trong thiên hạ không loài nào không có chỗ dùng, bệnh trong thiên hạ không bệnh nào không trị được. Kì-vực mệnh chung, thiên hạ dược thảo cùng lúc khóc, đồng thanh, ‘Tôi dùng trị bệnh được, chỉ có Kì-vực mới biết rõ tôi mà thôi. Kì-vực chết rồi không có ai biết tôi nữa, người đời sau hoặc dùng sai, hoặc tăng hoặc giảm khiến bệnh không khỏi, làm cho người trên đời cho tôi không có thần hiệu, vì nghĩ như vậy mà khóc.’ Chỉ có một loài là ha-lê-lặc ở riêng một chỗ là không khóc, nó tự nhủ rằng, ‘Tôi trị được chúng bệnh, người nào uống tôi thì bệnh lành, không uống tôi thì không thể tự lành, không cần người ta phải biết mình nên không khóc.’  Kì-vực dụ cho Phật, chúng dược thảo

84. Người Cụt Tay Chân Cảm Ân Phật Mà Sinh Lên Cõi Trời

Truyện 84, Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 7  Xưa  nước Xá-vệ có người phạm vào vương pháp, bị chặt hết tay chân, vứt bỏ đầu đường. Phật đi đường nhìn thấy, tới bên hỏi, “Ngươi bây giờ khổ chi nhất?” Người cụt đáp, “Khổ nhất là đói.” Liền sai A-nan đem cơm cho. Người cụt mệnh chung sinh lên cõi trời, cảm ơn sâu dày của Phật, xuống cung dưỡng Phật, Phật thuyết pháp cho, đắc tu-đà-hoàn.  Tì-khâu hỏi Phật, “Nhờ nghiệp hạnh chi mà sinh lên cõi trời?” Phật kể, “Người ấy trước ở trong cõi người bị chặt tay chân, vứt bỏ ngoài đường. Phật tới bên, sai đồ đệ đưa cơm cho, người ấy lòng vui mừng, mệnh chung sinh lên cõi trời, lại xuống chỗ ta nghe pháp mà đắc đạo.”     Văn 刖手足人感念佛恩而得生天緣 昔舍衛國,有人犯於王法,截其手足,擲著道頭。佛行見之,即往到邊,而問言曰:「汝於今日,以何為苦?」刖人答言:「我最苦餓。」即勅阿難,使與彼食。其刖人命終生天,感佛厚恩,來下供養,佛為說法,得須陀洹。 比丘問言:「以何業行,生於天上?」 佛言:「昔在人中,被刖手足擲於道頭,佛到其所,勅與其食,心生歡喜,命終生天,重於我所,聞法得道。」 Âm. Ngoạt Thủ Túc Nhân Cảm Niệm Phật Ân Nhi Đắc Sinh Thiên Duyên Tích Xá-vệ quốc, hữu nhân phạm ư vương pháp, tiệt kì thủ túc, trịch trước đạo đầu. Phật hà