Skip to main content

Làm giàu

Benjamin Franklin

Kính thưa chư vị Độc giả,
Tôi nghe nói làm nhà văn mà thấy tác phẩm mình được người ta cung kính trích dẫn thì không gì vinh hạnh bằng. Vậy xin quí vị hãy nghĩ xem câu chuyện tôi sắp hầu quí vị sau đây sẽ làm tôi sung sướng biết nhường nào. Cách đây ít lâu tôi có dừng ngựa lại một chỗ người ta đang tụ tập để đấu giá hàng hoá của mấy nhà buôn. Chưa đến giờ đấu giá nên người ta đem chuyện thời buổi khó khăn ra bàn với nhau, một kẻ trong đám người hỏi một cụ già tóc bạc chất phác như sau: “Cụ Abraham, cụ nghĩ gì về thời cuộc, xin cụ cho chúng tôi biết? Thuế má nặng nề thế này thì quốc gia sẽ đến thời tiêu diệt mất, chúng ta làm sao mà trả nổi? Cụ bảo chúng tôi phải làm sao?” Cụ Abraham đứng lên đáp: “Nếu các bạn nhờ tôi chỉ bảo thì tôi sẽ nói vắn tắt thôi; đối với người khôn ngoan thì chỉ một lời là đủ, Poor Richard[1] bảo thế”. Người ta xúm quanh cụ, đồng tình xin cụ chỉ dạy; cụ dạy như vầy:
“Thưa các bạn, quả thực thuế má như vậy là nặng nề, nhưng nếu chỉ có những thứ thuế do chính phủ đặt thôi thì chắc chúng ta còn tìm cách bãi đi dễ dàng. Chúng ta hãy còn mang những thứ thuế khác, mà đối với một vài người thì loại thuế này còn nặng nề gấp bội. Chúng ta bị thói lười biếng đánh thuế gấp hai lần, thói kiêu căng đánh gấp ba lần và thói điên rồ thì gấp bốn lần, mà những loại thuế này các nhà chức trách không làm sao bãi miễn cho ta bớt gánh nặng được. Có lời khuyên răn bổ ích sau, chịu khó nghe thì may ra còn cứu vãn được: Trời chỉ ban phước cho nguời nào biết tự mình tạo phước, Poor Richard bảo thế.

“I. Người ta nghĩ chỉ có những chính quyền hà khắc mới bắt quốc dân dành ra một phần mười thì giờ để phục vụ nhà nước, nhưng có nhiều người bị thói lười biếng đánh thuế nặng hơn nữa, ăn không ngồi rồi thì sinh ra bệnh tật, mà hễ có bệnh thì đời sống bị rút ngắn lại. Thói ăn không ngồi rồi giống như rỉ rét, làm cho ta hao mòn nhanh hơn lao lực; Poor Richard bảo chìa khoá nào hay dùng thì sáng luôn. Nếu bạn quí đời sống thì đừng phí thì giờ, vì đời sống làm bằng thì giờ, Poor Richard bảo thế. Chúng ta ngủ nhiều quá mà quên rằng Cáo mê ngủ là cáo không bắt được gà, và Xuống mồ rồi thì sẽ ngủ giấc ngàn thu, Poor Richard bảo thế.
“Nếu thì giờ quý hơn hết mọi sự thì như Poor Richard bảo, Phí thì giờ là cái hoang phí lớn nhất; mà Poor Richard đã có lần nói Thì giờ đã mất không bao giờ tìm lại được; cái khoản thời gian mà ta gọi là vừa đủ thì luôn hoá ra thiếu hụt. Cho nên hãy xắn tay áo lên mà làm việc, làm có mục đích, rồi nhờ cần cù mà chúng ta ít vụng về hơn và làm được nhiều việc hơn. Luời biếng thì mọi việc đều khó, còn siêng năng thì làm gì cũng dễ; kẻ nào dậy muộn thì phải hì hục suốt ngày mà nhiều khi đến tối chẳng làm xong việc; và thói lười biếng lê lết chậm chạp nên sớm muộn gì cũng bị giặc nghèo bắt kịp. Làm chủ công việc chứ đừng để nó làm chủ mình; và ngủ sớm, dậy sớm thì khoẻ mạnh, giàu có và khôn ngoan, Poor Richard bảo thế.
“Tôi nghe hình như trong các anh có người hỏi ‘Thế không được phép nghỉ ngơi hay sao?’ Để tôi nói cho các anh nghe điều Poor Richard đã dạy, Muốn có lúc thảnh thơi thì hãy dùng thì giờ cho có ích; và Vì mình không giữ được một phút thì đừng bỏ phí một giờ. Thì giờ rảnh là để dùng vào việc bổ ích; thì giờ rảnh đó ai cần cù mới hưởng được, còn kẻ lười biếng thì đừng mong, một đời thảnh thơi và một đời ăn không ngồi rồi là khác nhau cả trời vực. Nhiều người không chịu làm việc mà chỉ sống bằng mánh khóe, những kẻ đó đến lúc thiếu thốn mới khổ sở; còn cần cù thì được sung túc, giàu có và kính trọng. Tránh xa lạc thú thì lạc thú sẽ theo mình. Người làm ruộng siêng năng thì lúa trổ bông nhiều, và khi mình có đầy trâu và bò thì mọi người sẽ chúc lành cho[2].

“II. Cần cù không chưa đủ, chúng ta cần kiên trì, tự lập và cẩn thận để thấu suốt việc của mình và đừng nhòm ngó vào việc của người, vì Poor Richard bảo
Người ơi có thấy cây lung rễ
Như trâu lìa đàn tan tác nghé
Nhà kia li tán mong chi nổi
Sum vầy vui vẻ một ngày thôi
Ba lần thay đổi thì tai hại bằng một lần hoả hoạn; Chăm sóc hàng quán của mình thì hàng quán của mình sẽ đền đáp mình; hay Muốn xong việc thì đích thân mình đi, bằng như không muốn xong thì sai người khác đi thế. Và hãy nhớ,
Muốn sung túc nghiệp cấy cày
Thời xăn tay áo, chớ sai người làm
Con mắt người chủ làm nhiều việc hơn đôi tay của ông; và Thiếu hiểu biết thì không khốc hại bằng thiếu thận trọng. Không giám sát công nhân thì cũng giống như bỏ đi mà quên khoá hầu bao. Quá trông cậy kẻ khác là nguyên do khiến nhiều người bại sản, đó là vì ở đời có tránh được lụy hay không không phải nhờ cả tin mà nhờ chậm tin và Thận trọng luôn luôn có lợi. Nếu muốn thu phục một đầy tớ trung thành, một người mình quí mến thì chính mình hãy làm đầy tớ đã. Sự xao lãng nhỏ có thể gây nạn lớn, như thiếu một cái đinh nên mất chiếc móng ngựa, mất chiếc móng ngựa nên mất con ngựa, vì mất con ngựa nên người lính đành thua trận vì bị kẻ thù bắt kịp và sát hại; tất cả hậu quả đó chỉ do khinh thường một cái đinh nhỏ bé.

“III. Về đức cần cù và sự làm việc cho chu đáo như vậy là đủ; hỡi các bạn, nếu các bạn muốn làm cho công nghiệp của mình thêm thịnh đạt thì phải học thêm đức giản dị nữa. Kiếm được mà không giữ được thì có thể suốt đời phải đầu tắt mặt tối và chết không xu dính túi. Thân trụy lạc thì ý chí thường nhu nhược.
Bổng nhiều rủng rỉnh mới làm sang
Sáng ngày chưa hết đã tiêu tan.
Đầu trà ngồi lâu quên xe chỉ
Huân nhiều thói tật càng gian nan.
Bạn muốn giàu thì kiếm tiền thôi chưa đủ: phải biết tiết kiệm. Dải đất Indies không làm nước Tây Ban Nha[3] giàu lên được vì nước này tiêu nhiều hơn thu.
“Đừng nhiễm thói xa xỉ thì gặp lúc khốn khó, thuế khoá hay gánh nặng gia đình, bạn không phải than vãn nhiều.
Ham chi tửu sắc, cuộc cờ
Học chi cho nhiễm bấy trò đỏ đen
Làm cho sản nghiệp tiêu tan,
Phải khi khốn đốn khổ càng gia tăng.
Hơn nữa, nuôi một thói xấu bằng nuôi hai đứa con. Chắc bạn cho một chén trà, một cuộc vui nhỏ, hay ăn một bữa thịnh soạn, diện cái áo đẹp, hay thỉnh thoảng tiêu khiển một bữa thì có chi to tát; nhưng hãy nhớ là tích tiểu thành đại. Hãy thận trọng những chi tiêu lặt vặt vì lỗ nhỏ đắm thuyền, Poor Richard bảo thế. Kẻ nào quyến luyến xa hoa kẻ đó sẽ làm ăn mày, và kẻ dại thết cỗ, kẻ khôn đến ngồi. Nếu bạn muốn biết giá trị đồng tiền thì thử đi mượn người ta xem. Đi vay mượn là đi chuốc sầu muộn vì thế nào cũng sẽ đi lại con đường đó, Poor Richard bảo thế. Poor Dick[4] còn khuyên như vầy nữa:
Ru lòng vênh váo là lao đao
Biết thế mong người giữ hầu bao.
Tính tự phụ kêu vang như tên ăn mày thiếu thốn, mà lại đòi hỏi hơn cả ăn mày. Bạn mua được một thứ hào nhoáng ắt sẽ mua thêm mười thứ nữa để cho bề ngoài của bạn được đồng bộ; nhưng Poor Dick bảo Kiềm chế cái ham muốn ban đầu dễ hơn thoả mãn những ham muốn phát sinh. Nghèo mà học đòi làm sang: cái thói hão đó có khác gì con ếch cố trương cho to bằng con bò.
Mặc ai đeo gấm ngồi cao
Ta đây biết đủ, sống nhà đơn sơ.
Mà thói điên rồ đó sẽ đến thời trả giá rất mau, vì như Poor Richard bảo, Tự phụ thì ăn danh hão mà nuốt khinh bỉ. Thói tự phụ sáng thì linh đình xa xỉ, trưa thì nghèo, tối thì khổ nhục. Lợi ích gì cái kiêu hãnh bề ngoài mà mình phải phiêu lưu và khổ sở quá như thế? Không lợi sức khoẻ, không bớt đau ốm, không thêm phước đức mà còn làm cớ cho người ghanh tị và đẩy mình nhanh tới chỗ bất hạnh.
“Kẻ nào mất trí mới chịu đeo nợ chạy theo những thứ xa xỉ ấy. Khi bạn kì kèo để vay cho được nợ thì có lẽ bạn ít nghĩ tới ngày trả nợ, nhưng Poor Richard lại bảo Chủ nợ nhớ dai hơn con nợ; chủ nợ là phường tin nhảm nên coi ngày coi giờ rất kĩ. Ngày đó sẽ đến mà bạn không ngờ trước, bạn chưa kịp trả thì người ta đã đòi, còn nếu như bạn có nhớ phải trả nợ thì cái kì hạn ban đầu có vẻ rất dài, càng về sau càng quá ngắn. Thời gian cũng hùa vào gắn thêm cánh cho cái kì hạn đó để nó càng bay nhanh. Kẻ nào mắc nợ Tết phải trả thì kẻ đó có tháng Chạp ngắn. Chắc bạn tưởng mình đang lên như diều gặp gió nên có thể xa hoa một chút mà không hề gì; nhưng
Tuổi già thiếu thốn phòng khi
Người khôn cần kiệm khi thì còn xanh
Trời kia trong nắng mới thanh
Chắc gì mai đã trong lành như nay.
Lợi tức thì chỉ tạm thời và không bảo đảm, nhưng có một điều chắc chắn, đó là ngày nào bạn còn sống thì ngày đó bạn còn tiêu; Xây hai bếp dễ hơn giữ lửa một bếp, Poor Richard bảo thế; cho nên Thà nhịn đói đi ngủ còn hơn phải mắc nợ.
Cái gì làm được thì làm, giữ được thì giữ
Đây là bí quyết để biến đá thành vàng.
Có trong tay viên đá thần ấy rồi thì có phải thời buổi khó khăn hay thuế khóa nặng nề bạn cũng không hề than vãn.

“IV. Các bạn ơi, những lời khuyên răn này là lý trí, là túi khôn, song đừng bao giờ cậy mình siêng năng, cần kiệm và cẩn trọng, vì những đức ấy tuy đáng quí mà nếu không có trời ban phước thì tất cả cũng tan thành bèo bọt mà thôi; cho nên hãy khiêm tốn cầu xin trời ban phước, và nếu có kẻ đang cơn khốn đốn thì đừng ngoảnh mặt làm ngơ mà hãy an ủi và giúp đỡ họ. Hãy nhớ rằng Job phải chịu khổ rồi sau mới được sung túc.[5]
“Và đây là lời cuối cùng, Kinh nghiệm là người thầy đáng học hỏi, còn người u mê thì không chịu học ai mà cũng không học kinh nghiệm, Poor Richard bảo thế. Người ta chỉ cho lời khuyên chứ không làm thay cho mình. Dù có thế nào thì cũng mong bạn nhớ Kẻ không muốn nghe lời khuyên thì không có cách nào mà cứu vãn được; và nhớ điều nầy nữa, Không nghe Lý trí thì sẽ bị Lý trí trừng phạt, Poor Richard bảo thế.”

Đến đây thì cụ già kết thúc bài giáo huấn của mình. Giáo huấn đó người ta nghe và tán đồng; nhưng họ nghe một đường mà thực hành một nẻo, xem như đó chỉ là một bài tầm thường thôi; vào buổi đấu giá thì người ta bắt đầu vung tiền bốc rời.
Tôi biết cụ già tốt bụng đó đã nghiền ngẫm những cuốn niên giám của tôi, và những điều tôi góp nhặt được trong suốt hai mươi lăm năm cụ đã lĩnh hội hết. Cụ hay nhắc tên tôi, người khác nghe chắc không thấy gì nhưng tôi thì lòng hiếu danh được vuốt ve sung sướng mặc dù biết rằng những lời khôn ngoan cụ gán cho tôi mười câu tôi không có lấy một, đó chỉ là những điều tôi đã thu lượm từ trong các túi khôn cổ kim của nhân loại. Công của tôi là gọt giũa cho nó súc tích, du dương hơn một chút; ban đầu tôi định mua một cái áo choàng mới nhưng sau tôi quyết định thôi và mặc cái áo cũ thêm ít lâu nữa. Bạn đọc thân mến, nếu bạn làm như tôi thì bạn sẽ được lợi ích to lớn như tôi vậy. Chân thành phục vụ bạn.
RICHARD SAUNDERS

------------------------
[1] Poor Richard là bút danh của Franklin khi làm biên tập tờ niên giám Poor Richard. Poor Richard do Franklin tưởng tượng ra là triết nhân, giản phác, ngoan đạo, điềm đạm, khôn ngoan, không hề đến trường nhưng luôn có những lời khuyên dí dỏm mà thực dụng về sự cần cù và lối sống giản dị.
[2] Trong nguyên văn là người quay tơ.
[3] Indies là phần châu Mỹ thuộc địa chủ yếu của hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, kéo từ mũi Florida đến hết Nam Mỹ. Thời mới khai hoá thì châu Mỹ là vùng rất trù phú, và Tây Ban Nha là cường quốc hưởng lợi nhiều nhất.
[4] Dick là tên gọi thân mật của Richard
[5] Job là nhân vật trong Thánh Kinh Cựu Ước, nhiều lần bị thử thách nhưng nhờ lòng kiên nhẫn mà cuối cùng được như ý.


Dịch 2004
Chỉnh sửa tháng Ba 2009

Comments

Popular Posts

21. Chuyện Người Con Gái Xinh Đẹp Của Vua Ba-tư-nặc

Truyện 21. Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 2.  Xưa vua Ba-tư-nặc có một người con gái tên là Thiện Quang, thông minh đoan chánh, cha mẹ thương yêu, toàn cung ái kính. Vua cha nói nàng, “Con nhờ sức cha mà được toàn cung ái kính.” Con gái đáp cha rằng, “Con có nghiệp lực, chứ không nhờ sức cha.” Hỏi như vậy ba lần đều đáp như trước. Lúc ấy vua tức giận nói rằng, “Nay ta muốn thử coi con có dựa vào nghiệp lực mình không. Không có cái gọi là nghiệp lực.” Ra lệnh cho tả hữu vô tìm khắp trong thành ấy một người ăn mày nghèo rốt. Quan lính theo lệnh vua đi tìm, được một người hạ tiện dắt về gặp vua. Vua liền lấy con gái Thiện Quang trao phó cho kẻ hạ tiện ấy. Vua nói con gái, “Nếu con có nghiệp lực riêng của mình chứ không nhờ vào ta, từ nay trở đi để nghiệm coi là biết.” Thiện Quang vẫn đáp, “Con có nghiệp lực.” Rồi cùng với cùng nhân dắt nhau ra đi. Hỏi chồng rằng, “Anh trước đây có cha mẹ không?” Cùng nhân đáp, “Cha tôi trước đây là đệ nhất trưởng giả trong thành Xá-vệ, cha mẹ trong nhà đều đã qu

74. Phật Kể Chuyện Ngày Trước Độ Các Ông A-nặc Kiều-trần-như

Truyện 74, Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 6  Phật ở thành Vương Xá thuyết pháp độ A Nặc Kiều Trần Như, Thích Đề Hoàn Nhân, và vua Tần Bà Sa La. Mấy ông ấy mỗi người dắt theo tám vạn bốn ngàn người, tất cả đều đắc đạo. Chư tì-khâu lấy làm lạ từng ấy người được dứt hẳn ba đường ác. Phật nói, “Chẳng những ngày nay thôi, trong đời quá khứ cũng đã từng tế bạt họ.”  Chư tì-khâu hỏi, “Chuyện tế bạt trong đời trước đó như thế nào?”  Phật kể, “Trong đời quá khứ có một đoàn người đi buôn, họ ra biển tìm báu vật, trên đường về tới một cách đồng lớn thì gặp mãng xà, mãng xà thân ngóc lên cao sáu câu-lâu-xá, vây quanh đoàn thương nhân, bốn phía đều phong tỏa không có lối thoát. Đoàn thương nhân trong bụng kinh hãi, ai nấy đều kêu lên, ‘Thiên thần địa thần có lòng từ bi xin cứu chúng tôi.’ Lúc ấy có voi trắng với sư tử đi tới, sư tử nhảy tới đánh dập đầu mãng xà, khiến cho đoàn thương nhân thoát đại nạn. Mãng xà kịp phun độc trong miệng thương hại sư tử và cả voi trắng. Lúc sư tử và voi trắng mạng sống vẫn

34. Quán Vô Thường Là Thuốc Trị Nhiều Bệnh

Dụ 34. Tạp Thí Dụ Kinh T0207 Thiên hạ thảo mộc đều làm thuốc được, chẳng qua do không sành sỏi nên không biết mà thôi. Xưa có thánh y vương tên là Kì-vực, năng hòa hợp dược thảo làm hình đồng tử, ai thấy cũng vui mừng, chúng bệnh đều khỏi. Hoặc lấy một loại cỏ trị chúng bệnh, hoặc lấy nhiều loại cỏ trị nhất bệnh, cỏ trong thiên hạ không loài nào không có chỗ dùng, bệnh trong thiên hạ không bệnh nào không trị được. Kì-vực mệnh chung, thiên hạ dược thảo cùng lúc khóc, đồng thanh, ‘Tôi dùng trị bệnh được, chỉ có Kì-vực mới biết rõ tôi mà thôi. Kì-vực chết rồi không có ai biết tôi nữa, người đời sau hoặc dùng sai, hoặc tăng hoặc giảm khiến bệnh không khỏi, làm cho người trên đời cho tôi không có thần hiệu, vì nghĩ như vậy mà khóc.’ Chỉ có một loài là ha-lê-lặc ở riêng một chỗ là không khóc, nó tự nhủ rằng, ‘Tôi trị được chúng bệnh, người nào uống tôi thì bệnh lành, không uống tôi thì không thể tự lành, không cần người ta phải biết mình nên không khóc.’  Kì-vực dụ cho Phật, chúng dược thảo

84. Người Cụt Tay Chân Cảm Ân Phật Mà Sinh Lên Cõi Trời

Truyện 84, Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 7  Xưa  nước Xá-vệ có người phạm vào vương pháp, bị chặt hết tay chân, vứt bỏ đầu đường. Phật đi đường nhìn thấy, tới bên hỏi, “Ngươi bây giờ khổ chi nhất?” Người cụt đáp, “Khổ nhất là đói.” Liền sai A-nan đem cơm cho. Người cụt mệnh chung sinh lên cõi trời, cảm ơn sâu dày của Phật, xuống cung dưỡng Phật, Phật thuyết pháp cho, đắc tu-đà-hoàn.  Tì-khâu hỏi Phật, “Nhờ nghiệp hạnh chi mà sinh lên cõi trời?” Phật kể, “Người ấy trước ở trong cõi người bị chặt tay chân, vứt bỏ ngoài đường. Phật tới bên, sai đồ đệ đưa cơm cho, người ấy lòng vui mừng, mệnh chung sinh lên cõi trời, lại xuống chỗ ta nghe pháp mà đắc đạo.”     Văn 刖手足人感念佛恩而得生天緣 昔舍衛國,有人犯於王法,截其手足,擲著道頭。佛行見之,即往到邊,而問言曰:「汝於今日,以何為苦?」刖人答言:「我最苦餓。」即勅阿難,使與彼食。其刖人命終生天,感佛厚恩,來下供養,佛為說法,得須陀洹。 比丘問言:「以何業行,生於天上?」 佛言:「昔在人中,被刖手足擲於道頭,佛到其所,勅與其食,心生歡喜,命終生天,重於我所,聞法得道。」 Âm. Ngoạt Thủ Túc Nhân Cảm Niệm Phật Ân Nhi Đắc Sinh Thiên Duyên Tích Xá-vệ quốc, hữu nhân phạm ư vương pháp, tiệt kì thủ túc, trịch trước đạo đầu. Phật hà