Skip to main content

Mặt trăng

Jack London

John Claverhouse mặt tròn quạnh như trăng rằm. Bạn biết loại đó: xương mặt bạnh ra, cằm và trán thu vào má làm cho cái mặt tròn vành vạnh, cái mũi tẹt hênh hếch bẹp xuống chính giữa mặt y hệt cục bột nhão dính trên trần nhà. Có lẽ vì vậy mà tôi ghét hắn, nói cho ngay thì hắn là cái gai trong mắt tôi. Tôi cho rằng hắn sống trên đời này chỉ tổ chật đất. Chắc thân mẫu tôi người tôn thờ chị hằng và khi gian nan nặng gánh đều tìm trông cậy chị.
Dù có vậy đi chăng nữa, tôi vẫn ghét John Claverhouse. Không phải tại hắn có làm gì thất thố với tôi khiến cho người ta lên án hay coi là việc trái luân thường đạo lý đâu. Không phải thế. Cái tội lỗi ấy bản chất sâu xa và tế nhị hơn, nó mơ hồ bàng bạc, thực khó mà dùng ngôn từ để cắt nghĩa cho đúng và rõ được. Một lúc nào đó trong đời chúng ta ai cũng có những tâm hành như thế. Mới lần đầu gặp một người nào mà chỉ mới khoảnh khắc trước ta chẳng hề nghĩ là họ có đấy, vậy mà ta nói: "Tôi không ưa kẻ đó". Tại sao không ưa họ? A, làm sao ta biết được, chỉ biết là mình chẳng ưa người ta. Ta đã sinh lòng ghét, có vậy thôi. Và tôi đối với John Claverhouse cũng vậy.
Người như hắn có quyền gì mà hạnh phúc? Vậy mà hắn là kẻ lạc quan. Lúc nào hắn cũng tươi cười vui vẻ. Cái gì cũng tốt đẹp, hắn xuống âm phủ cho rồi! Ôi chao, hắn hạnh phúc thì linh hồn tôi mới day dứt đay nghiến làm sao! Người khác có thể cười, không sao cả. Chính tôi cũng cười, nhưng là hồi tôi chưa biết John Claverhouse kia.
Nhưng hắn cười! Thì tôi bực dọc, tôi thác loạn làm như dưới gầm trời này không có gì khiến tôi bực dọc và thác loạn bằng. Nó ám ảnh, nó bám riết lấy tôi không chịu buông tha. Kiểu cười của hắn hô hố, thô lậu lắm. Tôi thức hay ngủ thì nó đều đeo đẳng, nó vẳng lên, rúc vào gân mạch tôi nghe như tiếng giũa đèn đẹt nhức óc. Mới bảnh mắt nó đã rít qua các cánh đồng phá tan giấc mơ màng khoan khoái của tôi. Khi chiều tà lả lơi, cỏ cây rũ xuống, chim chóc rút vào rừng thẳm và vạn vật lim dim chìm vào giấc ngủ thì những tiếng "Ha! ha! ha!" và "Hô! hô! hô!" vĩ đại của hắn vút lên không trung thách thức mặt trời. Giữa đêm đen kìn kịt, lúc hắn ra khỏi thị trấn rẽ về nhà thì từ cái ngã tư vắng vẻ kia vọng lại cái điệu cười muốn lộn ruột nó phá giấc ngủ tôi, khiến tôi phải đau đớn nghiến tay lại.
Một đêm tôi lén thả gia súc của hắn cho lạc đàn trên đồng, sáng ra thì nghe tiếng hắn vang vang thúc bầy gia súc vào. Hắn bảo: “Không sao cả, thứ loài vật đần độn, đáng thương này có lạc vào những đồng cỏ mơn mởn cũng không có gì đáng trách."
Hắn nuôi một con chó tên là Mars, đẹp, bự, lai giống thuần chủng và giống chó săn, trông thì giống cả hai. Con Mars là nguồn vui lớn của hắn, chủ và chó quấn quít nhau luôn. Nhưng tôi đã chờ thời cơ, và khi thời cơ chín muồi thì tôi dụ con chó ra đi cho nó xơi thịt nướng có thuốc bã chó là xong. Sau chuyện đó John Claverhouse cứ thản nhiên như không hề hấn gì. Tiếng cười hắn vẫn giòn giã và đều đặn như ngày nào và cái mặt hắn vẫn vành vạnh như trăng rằm.
Tôi phóng lửa đốt lẫm rơm và vựa lúa của hắn. Thế mà sáng hôm sau nhằm ngày Chủ Nhật hắn vẫn tươi cười vô tư.
Thấy hắn đi qua ngã tư, tôi hỏi:
- Đi đâu vậy mày?
Hắn đáp, cái mặt sáng như trăng rằm:
- Đi bắt cá. Tôi thèm thịt cá hồi quá trời.
Ai từng đời lại có hạng người như vậy! Hoa lợi của hắn trữ trong kho, trong lẫm đã cháy sạch. Hắn lại không đóng bảo hiểm, tôi biết chứ. Vậy mà có đói kém hay mùa đông nghiệt ngã cũng mặc, hắn cứ nhởn nhơ bắt cá vì hắn "thèm" quá! Giá ưu phiền, dù chỉ nhẹ nhàng thôi mà một lần hiện trên trán hắn, giá cái mặt ngây ngô của hắn dài ra, nghiêm nghị và bớt giống mặt trăng một chút, giá hắn chỉ một lần bỏ cái nụ cười kia khỏi mặt, thì chắc chắn tôi sẽ tha thứ cho hắn cái tội đã sống trên đời. Nhưng không, càng hoạn nạn hắn càng vui vẻ.
Tôi lăng nhục thì hắn nhìn tôi mỉm cười, vẻ hơi ngạc nhiên.
- Tôi đi găng với anh để làm gì?
Hắn nói chậm rãi như vậy rồi thì hắn phá lên cười.
- Anh buồn cười thật đấy! Hô! Hô! Anh làm tôi chết mất! Hi!Hi! Hi! Hô! Hô! Hô!
Bạn làm gì nào? Tôi thì tôi không chịu đựng được nữa. Xin thề với diêm vương là tôi thâm thù hắn! Vậy mà có kẻ tên là Claverhouse! Tên gì mà tên, nghe muốn lộn ruột! Claverhouse! Trời kia có mắt sinh tôi sao còn sinh Claverhouse? Hết ngày này qua ngày nọ tôi chỉ tự dằn vặt mình điều đó. Có là Smith, Brown hay Jones tôi chẳng thèm bận tâm, gì cũng được miễn là đừng Claverhouse! Tôi xin cáo cho bạn. Bạn thử kêu tên đó lên rồi nghe cái thanh âm ngu xuẩn nó phát ra: Claverhouse! Có người sống được với cái tên đó sao? Tôi hỏi thì bạn đáp: “Không có”. Mà tôi cũng nói: “Không có”.
Tôi nảy ra cách làm cho hắn phải cầm cố tài sản. Kho lẫm đã cháy rụi thì tôi biết hắn sẽ khó lòng xoay xở được. Tôi nhờ một lão đầu nậu thuộc hạng cáo già keo kiết và kín miệng chuyển cho hắn một món vay thế chấp. Tôi không ra mặt mà mượn tay lão nậu này để tịch thu tài sản của hắn. Hắn chỉ được dăm ngày để di dời của cải đồ đạc ra khỏi sinh cơ đã cầm cố (luật pháp ấn định thời hạn bao nhiêu thì hắn chỉ được chừng đó thôi, không hơn). Tôi đến coi thử hắn đã sống ở đó hơn hai chục năm nay thì bây giờ sẽ xoay xở thế nào. Nhưng hắn giương cặp mắt thô lố lấp lánh nhìn tôi, ánh sáng đó rạng lên và lan dần ra làm cho cái mặt hắn hệt như mặt trăng ngày rằm.
Hắn phá lên cười: “Ha! Ha! Ha! Thằng nhỏ tức cười thật, thằng con tôi ấy mà! Có bao giờ anh nghe chuyện như vầy chưa? Để tôi kể cho nghe. Nó đương chơi rỡn ở bờ sông thì đất sụt xuống, bắn nước lên. Nó bị ướt nó khóc: ”Hu hu, ba ơi! Có một vũng nước lớn bay lên ập lấy con”.
Hắn kể xong thì ngưng, chờ tôi cười đáp trả cái tràng cười ma quái.
Tôi đáp chỏn lỏn: ”Không thấy có chi đáng cười”, và tôi biết da mặt mình co lại chua chát.
Hắn ngơ ngáo nhìn tôi, và thứ ánh sáng u mê đó lại loé lên rồi lan ra, và như tôi đã tả, dần dần thì cái mặt hắn trông hiền lành và ấm áp như trăng mùa hè; rồi thì hắn cười: “Ha! Ha! tức cười quá đi mất! Bộ anh không thấy sao? Hi! Hi! Hô! Hô! Hô! Có người không thấy cơ đấy! Xem này! Anh biết cái vũng nước nó...”.
Nhưng tôi quay đi. Đó là lần chót. Tôi không tài nào chịu đựng thêm nữa. Mọi việc phải chấm dứt ở đó, tôi nghĩ vậy. Hắn xuống âm phủ quách đi! Trái đất này nên giải thoát khỏi hắn. Qua khỏi đồi rồi mà tôi vẫn còn nghe tiếng cười quái dị của hắn vang dội trên nền trời.
Bấy giờ tôi vẫn tự hào mình làm việc rất chu đáo, và khi quyết định khử John Claverhouse, tôi rắp tâm phải ra tay làm sao cho khi nhìn lại mình không lấy làm xấu hổ. Tôi ghét tật vụng về, ghét cả thói tàn bạo. Với tôi thì đánh người bằng nắm đấm thực khó mà chấp nhận, kinh khủng, bệnh hoạn! Cho dùng súng bắn, dao đâm, đùi cui đánh John Claverhouse (trời ơi, lại cái tên đó) tôi đều không làm được. Tôi buộc mình phải ra tay sao cho gọn ghẽ và khéo léo để một chút nghi ngờ nhỏ nhất cũng không có.
Quyết thế rồi tôi vắt óc suy nghĩ và sau một tuần mưu tính kĩ lưỡng thì tôi đẻ được một âm mưu. Tôi bắt đầu ra tay. Tôi mua một con chó cái Spaniel, năm tháng tuổi và dốc hết tâm trí huấn luyện nó. Ai theo dõi tôi thì cùng lắm chỉ cho rằng tôi làm việc đó hoàn toàn là vì một mục đích duy nhất, đi săn. Tôi đặt tên cho nó là Bellona[1], rồi tôi dạy nó mang về cho tôi những que củi tôi liệng xuống nước, mà phải mang về tức khắc, không được đùa giỡn. Chủ ý của tôi là con chó phải mang que củi về thật nhanh, không được dừng lại dù bất kì lý do nào. Tôi vờ chạy để nó ngậm que củi mà rượt theo, rượt kịp thì thôi. Nó khôn lắm, lại thích học nên tôi sớm hài lòng.
Sau đó, có được cơ hội đầu tiên là tôi dẫn con Bellona đến cho John Claverhouse. Tôi biết mình cần làm gì nhờ biết hắn có một nhược điểm nho nhỏ và một tội kín nhẹ mà hắn hay mặc cảm đến thành tật.
Tôi trao sợi dây thừng buộc chó vào tay hắn thì hắn từ chối: “Không, không, anh đừng làm thế.” Hắn há cái miệng toang hoác và cười nhăng răng để thộn cái mặt trăng đáng ghét ra.
Hắn lẩn thẩn: “Bấy lâu tôi... tôi nghĩ hình như anh không thích tôi. Nghĩ oan cho anh như vậy thực tức cười quá, há anh?”
Đoạn, hắn chống nạnh mà cười.
Cười hả hê rồi hắn hỏi: “Nó tên gì vậy?”
Tôi đáp: "Bellona”
Hắn khúc khích: “Hi! Hi! Tên gì nghe kì ta!”
Tôi nghiến răng, nhếch mép gượng cười với hắn và cắn cẩu thốt:
- Mày không biết chứ trước nó là vợ con Mars đấy.
Rồi ánh trăng rằm bắt đầu lan toả trên mặt hắn, và hắn tuôn ra một tràng dài:
- Con Mars đó trước đây là của tôi nuôi. Vậy thì bây giờ con này thành chó goá rồi. Ô, hô hô, Ê, hê hê!
Hắn cười đắc chí, còn tôi thì xoay lưng thản nhiên hướng về phía đồi bỏ đi.
Một tuần trôi qua, đến tối thứ Bảy thì tôi hỏi hắn: “Thứ Hai mày đi à?”
Hắn gật đầu rồi nhăn răng cười.
Tôi mỉa mai: - Vậy là mày không còn cơ hội đi bắt cá hồi khoái khẩu nữa.
Hắn chẳng thèm để ý, chỉ chặc lưỡi:
- Cũng không biết nữa, tôi định mai đi thử phen nữa xem sao.
Thế là tôi càng yên chí, đi về nhà mà lòng đầy hoan hỉ.
Sáng sớm hôm sau, tôi thấy hắn mang một tay lưới và một cái bị đi ngang qua; con Bellona lẽo đẽo sau chân hắn. Tôi đã biết hắn đang đi đâu nên chạy băng ra cánh đồng phía sau, len lỏi dưới các bụi cây rậm rạp để trèo lên đỉnh núi. Tôi kín đáo men theo đỉnh núi được vài dặm thì đến một lòng chảo nằm lõm giữa các đồi. Ở đây, một dòng sông nhỏ từ trong thung lũng chảy ra lặng lẽ rót vào lòng một hồ nước rộng xung quanh là bờ đá kiên cố. Đấy là địa điểm quyết định. Tôi tìm trên triền núi chỗ nào ngồi nhìn được bao quát toàn cảnh rồi châm ống điếu.
Chưa đầy mấy phút sau thì John Claverhouse lủi thủi bước đến. Con Bellona lẽo đẽo bên hắn. Cả hai đương khoan khoái tinh thần, tiếng sủa ăng ẳng nhát gừng của chó lẫn với giọng nói ồm ồm của chủ. Hắn dừng lại bên hồ, thả lưới và bị xuống, rút trong túi hông ra một vật trông như cây nến to mẫm. Tôi biết chắc đó là một thỏi bộc phá vì hắn bắt cá hồi bằng phương pháp đó. Hắn đánh thuốc nổ. Hắn lấy một miếng vải quấn chặt thỏi bộc phá để gắn ngòi nổ vào. Hắn châm ngòi và quăng khối thuốc nổ xuống hồ.
Nhanh như cắt con Bellona phóng theo. Suýt nữa là tôi reo lên vì hả hê. Claverhouse hét toáng lên, nhưng vô ích. Hắn ném đất đá cuống cuồng nhưng con chó vẫn bơi tiếp đến ngậm trọn thỏi bộc phá vào miệng. Lúc đó hắn mới nhận ra mối nguy và cắm cổ chạy. Con vật bơi vào bờ đuổi theo hắn hệt như tôi dự tính. Tôi thú thực với bạn là cảnh đó ngoạn mục khôn tả! Tôi đã kể là cái hồ nằm trong một bồn chảo. Trên dưới chỗ nào cũng có đá để đặt chân lên chạy. Claverhouse và con Bellona cứ thế chạy đua, đua thục mạng, lòng vòng quanh hồ, lên bờ xuống nước, rồi băng qua hồ. Tôi không ngờ một gã cục mịch như hắn lại chạy nhanh đến vậy. Nhưng hắn chạy thì con Bellona bám riết theo sau. Hắn cắm đầu cắm cổ chạy, con vật đuổi kịp đến nơi thì chồm lên, chúi mũi vào đầu gối hắn, một tia chớp lóe lên, khói phụt, và nổ một tiếng rung chuyển dữ dội; ở chỗ người và chó mới trước đó giờ đã chẳng thấy gì, chỉ còn lại một cái hố lớn trên nền đất đá.
“Đánh cá bất hợp pháp, tai nạn mà chết." Đó là phán quyết của ban hội thẩm thanh tra những vụ án bất thường; và cũng nhờ đó mà tôi lấy làm tự hào về cách mình kết liễu John Claverhouse nó chu đáo và khéo léo quá. Không thương tích, không tàn bạo, và từ đầu đến cuối không có gì đáng phải hổ thẹn, tôi tin chắc bạn sẽ đồng ý như vậy. Bây giờ thì không còn tiếng cười hắc ám của hắn rền rĩ trên các ngọn đồi, và không còn cái mặt trăng tròn quạnh của hắn mọc lên làm khổ tôi. Ngày thì bình yên còn đêm thì ngủ say.

--------------------
[1] tên nữ thần chiến tranh của người La Mã. (chú thích của bản gốc)

Dịch 2005 theo bản điện tử tại www.web-books.com/eBooks/web-books.htm
Tham khảo bản JACK LONDON
THE CALL OF THE WILD
WHITE FANG
And Other Stories
của nhà xuất bản Oxford University Press, Oxford, 1990
Sửa lại tháng Hai 2009

Comments

Popular Posts

21. Chuyện Người Con Gái Xinh Đẹp Của Vua Ba-tư-nặc

Truyện 21. Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 2.  Xưa vua Ba-tư-nặc có một người con gái tên là Thiện Quang, thông minh đoan chánh, cha mẹ thương yêu, toàn cung ái kính. Vua cha nói nàng, “Con nhờ sức cha mà được toàn cung ái kính.” Con gái đáp cha rằng, “Con có nghiệp lực, chứ không nhờ sức cha.” Hỏi như vậy ba lần đều đáp như trước. Lúc ấy vua tức giận nói rằng, “Nay ta muốn thử coi con có dựa vào nghiệp lực mình không. Không có cái gọi là nghiệp lực.” Ra lệnh cho tả hữu vô tìm khắp trong thành ấy một người ăn mày nghèo rốt. Quan lính theo lệnh vua đi tìm, được một người hạ tiện dắt về gặp vua. Vua liền lấy con gái Thiện Quang trao phó cho kẻ hạ tiện ấy. Vua nói con gái, “Nếu con có nghiệp lực riêng của mình chứ không nhờ vào ta, từ nay trở đi để nghiệm coi là biết.” Thiện Quang vẫn đáp, “Con có nghiệp lực.” Rồi cùng với cùng nhân dắt nhau ra đi. Hỏi chồng rằng, “Anh trước đây có cha mẹ không?” Cùng nhân đáp, “Cha tôi trước đây là đệ nhất trưởng giả trong thành Xá-vệ, cha mẹ trong nhà đều đã qu

74. Phật Kể Chuyện Ngày Trước Độ Các Ông A-nặc Kiều-trần-như

Truyện 74, Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 6  Phật ở thành Vương Xá thuyết pháp độ A Nặc Kiều Trần Như, Thích Đề Hoàn Nhân, và vua Tần Bà Sa La. Mấy ông ấy mỗi người dắt theo tám vạn bốn ngàn người, tất cả đều đắc đạo. Chư tì-khâu lấy làm lạ từng ấy người được dứt hẳn ba đường ác. Phật nói, “Chẳng những ngày nay thôi, trong đời quá khứ cũng đã từng tế bạt họ.”  Chư tì-khâu hỏi, “Chuyện tế bạt trong đời trước đó như thế nào?”  Phật kể, “Trong đời quá khứ có một đoàn người đi buôn, họ ra biển tìm báu vật, trên đường về tới một cách đồng lớn thì gặp mãng xà, mãng xà thân ngóc lên cao sáu câu-lâu-xá, vây quanh đoàn thương nhân, bốn phía đều phong tỏa không có lối thoát. Đoàn thương nhân trong bụng kinh hãi, ai nấy đều kêu lên, ‘Thiên thần địa thần có lòng từ bi xin cứu chúng tôi.’ Lúc ấy có voi trắng với sư tử đi tới, sư tử nhảy tới đánh dập đầu mãng xà, khiến cho đoàn thương nhân thoát đại nạn. Mãng xà kịp phun độc trong miệng thương hại sư tử và cả voi trắng. Lúc sư tử và voi trắng mạng sống vẫn

34. Quán Vô Thường Là Thuốc Trị Nhiều Bệnh

Dụ 34. Tạp Thí Dụ Kinh T0207 Thiên hạ thảo mộc đều làm thuốc được, chẳng qua do không sành sỏi nên không biết mà thôi. Xưa có thánh y vương tên là Kì-vực, năng hòa hợp dược thảo làm hình đồng tử, ai thấy cũng vui mừng, chúng bệnh đều khỏi. Hoặc lấy một loại cỏ trị chúng bệnh, hoặc lấy nhiều loại cỏ trị nhất bệnh, cỏ trong thiên hạ không loài nào không có chỗ dùng, bệnh trong thiên hạ không bệnh nào không trị được. Kì-vực mệnh chung, thiên hạ dược thảo cùng lúc khóc, đồng thanh, ‘Tôi dùng trị bệnh được, chỉ có Kì-vực mới biết rõ tôi mà thôi. Kì-vực chết rồi không có ai biết tôi nữa, người đời sau hoặc dùng sai, hoặc tăng hoặc giảm khiến bệnh không khỏi, làm cho người trên đời cho tôi không có thần hiệu, vì nghĩ như vậy mà khóc.’ Chỉ có một loài là ha-lê-lặc ở riêng một chỗ là không khóc, nó tự nhủ rằng, ‘Tôi trị được chúng bệnh, người nào uống tôi thì bệnh lành, không uống tôi thì không thể tự lành, không cần người ta phải biết mình nên không khóc.’  Kì-vực dụ cho Phật, chúng dược thảo

84. Người Cụt Tay Chân Cảm Ân Phật Mà Sinh Lên Cõi Trời

Truyện 84, Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 7  Xưa  nước Xá-vệ có người phạm vào vương pháp, bị chặt hết tay chân, vứt bỏ đầu đường. Phật đi đường nhìn thấy, tới bên hỏi, “Ngươi bây giờ khổ chi nhất?” Người cụt đáp, “Khổ nhất là đói.” Liền sai A-nan đem cơm cho. Người cụt mệnh chung sinh lên cõi trời, cảm ơn sâu dày của Phật, xuống cung dưỡng Phật, Phật thuyết pháp cho, đắc tu-đà-hoàn.  Tì-khâu hỏi Phật, “Nhờ nghiệp hạnh chi mà sinh lên cõi trời?” Phật kể, “Người ấy trước ở trong cõi người bị chặt tay chân, vứt bỏ ngoài đường. Phật tới bên, sai đồ đệ đưa cơm cho, người ấy lòng vui mừng, mệnh chung sinh lên cõi trời, lại xuống chỗ ta nghe pháp mà đắc đạo.”     Văn 刖手足人感念佛恩而得生天緣 昔舍衛國,有人犯於王法,截其手足,擲著道頭。佛行見之,即往到邊,而問言曰:「汝於今日,以何為苦?」刖人答言:「我最苦餓。」即勅阿難,使與彼食。其刖人命終生天,感佛厚恩,來下供養,佛為說法,得須陀洹。 比丘問言:「以何業行,生於天上?」 佛言:「昔在人中,被刖手足擲於道頭,佛到其所,勅與其食,心生歡喜,命終生天,重於我所,聞法得道。」 Âm. Ngoạt Thủ Túc Nhân Cảm Niệm Phật Ân Nhi Đắc Sinh Thiên Duyên Tích Xá-vệ quốc, hữu nhân phạm ư vương pháp, tiệt kì thủ túc, trịch trước đạo đầu. Phật hà