Skip to main content

Một cuộc mua bán

Guy de Maupassant

Hai bị cáo Cesaire-Isidore Brument và Prosper-Napoleon Cornu trình diện trước Tòa Đại hình Seine-Inferieure với tội danh dìm nước Madame Brument để cố sát, vợ hợp pháp của bị cáo đầu tiên nêu tên trên đây.
Hai tội nhân ngồi sát nhau trên băng ghế dành cho bị cáo. Đều là nông dân cả, người thứ nhất nhỏ thó, chắc nịch, tay chân tủn ngủn, mặt lốm đốm tàn nhang mà đầu thì tròn quạnh, nghển thẳng trên thân hình cũng vừa tròn vừa ngắn chẳng thấy cổ. Người này sống về nghề nuôi lợn ở Cacheville-la-Goupil, quận Criquetot.
Cornu gầy, hơi cao, hai cánh tay hộ pháp dài lêu nghêu. Đầu vẹo, hàm lệch, mắt lác. Một chiếc áo choàng xanh dài bằng áo sơ-mi phủ tận gối, tóc vàng lưa thưa dính bết vào da đầu, gây cho khuôn mặt y một vẻ tiều tụy, bẩn thỉu trông đến phát sợ. Tục gọi y là “cha xứ” vì y hát nhại thánh ca, thậm chí cả tiếng kèn serpent[1] trong nhà thờ nghe hệt như thật. Y làm chủ một quán trọ ở Criquetot và biệt tài hát nhại đó đã thu hút cho quán y rất nhiều vị khách thích “xem lễ ở quán Cornu” hơn xem lễ nhà thờ.
Madame Brument ngồi trên ghế nhân chứng, thị là một mẹ nông gầy còm, trông lúc nào cũng như ngái ngủ. Thị ngồi bất động, hai tay đan chéo trên đầu gối, mắt đờ đẫn nhìn về phía trước vẻ ngây dại.
Quan tòa tiếp tục hỏi cung.
- Vậy là sau đó, hai người kia vào nhà, rồi dận chị vào một thùng nước, phải không chị Brument? Chị kể tường tận cả cho. Mời chị đứng lên.
Thị đứng lên. Trông thị cao lêu nghêu như cây sào mà chiếc mũ trên đầu thị trông như mũ chỏm trắng. Thị khai, giọng lè nhè:
- Lúc đó tôi đương bán đậu thì hai người đi vào. Tôi nhủ: ‘Không biết mấy ông này có chuyện gì ta. Trông tướng gượng gạo, chắc sắp dở trò gì đây.’ Họ lét mắt nhìn tôi, như vầy nè, nhất là Cornu, vì hắn lác. Tôi không ưa hai người đó đi với nhau, bởi họ mà đi với nhau thì chẳng được tích sự gì. Tôi mới hỏi: ‘Hai ông muốn gì tôi?’ Thấy họ không đáp thì tôi bắt đầu ngài ngại…
Bị cáo Brument vội ngắt lời nhân chứng:
- Lúc đó tôi say.
Cornu quay sang phía tòng phạm, rồi lấy một giọng trầm trầm như giọng phong cầm nói:
- Bà phải khai là chúng tôi đều đã say mèm nữa thì mới đúng chứ.
Quan tòa nghiêm giọng:
- Nói thế cả hai ông đều say ư?
Brument lên tiếng:
- Đúng là vậy chứ gì nữa.
Cornu hùa theo:
- Ai cũng có lúc như vậy.
Quan tòa quay sang nạn nhân:
- Khai tiếp đi, bà Brument.
- Brument hỏi tôi: ‘Bà muốn có một trăm xu không?’ Tôi đáp: ‘Có,’ là tại vì thấy không phải tự dưng mà kiếm được một trăm xu. Ông ta nói tiếp: ‘Bà mở mắt mà làm theo lời tôi bảo,’ nói rồi ổng ra góc nhà chỗ dưới xối nước, lật xuôi cái thùng lớn rỗng nước rồi khiêng vào nhà bếp, để xuống đất, đoạn bảo tôi: ‘Ra múc nước đổ vào cho đầy.’
“Tôi xách hai cái xô ra hồ lấy nước, đổ một giờ mới đầy, vì thùng to như cái bể, xin thưa quan lớn như vậy.
“Trong lúc đó, Brument cùng Cornu chén tạc chén thù, hết cốc này đến cốc khác. Họ uống gần xong thì tôi vào nói: ‘Mấy ông uống thế đủ rồi, uống chi mà uống hơn cả cái thùng này nữa.’ Rồi Brument trả lời: ‘Bà đừng lo, cứ làm việc của bà đi, rồi sẽ đến lượt bà, ai cũng có phần như nhau hết.’ Ông ta say, có nói gì tôi cũng không thèm để ý.
“Nước đầy thùng rồi thì tôi báo: ‘Đấy, xong rồi đấy.’
“Lúc đó Cornu mới đưa cho tôi một trăm xu, Cornu đưa tiền chứ không phải Brument, chính Cornu đưa tiền cho tôi. Brument nói: ‘Một trăm xu nữa bà muốn không?’ Có bao giờ tôi đâu được người ta cho không tiền như thế đâu nên đáp: ‘Có.’ Thì ông bảo: ‘Bà cởi áo quần ra!’
“Cởi áo quần ra?’
“Ông ta gật đầu: ‘Ừ.’
“Cởi chừng nào?’
“‘Bà thấy ngại thì để áo lót lại cũng được, không sao cả.’
“Một trăm xu là một trăm xu, cởi thì cởi, nhưng cởi trước mặt hai kẻ điên điên khùng khùng như vậy thì tôi không ưa. Tôi cởi mũ, cởi áo ngoài, cởi váy rồi cởi giày. Brument bảo tôi: ‘Bà để quần trong lại, chúng tôi là người đàng hoàng.’
“Cornu nói theo: ‘Chúng tôi là người đàng hoàng.’
“Cởi xong thì tôi gần như bà thủy tổ Eva. Bọn họ đứng khỏi ghế, nhưng không đứng thẳng được vì đã no anh ách, xin thưa quan lớn như vậy.
“Tôi tự hỏi: ‘Không biết bọn họ định làm gì nữa?’
“Brument hỏi: ‘Rồi chưa?’
“Cornu đáp: ‘Rồi.’
“Đoạn họ khiêng tôi lên, Brument đằng đầu, Cornu đằng chân, khiêng như người ta khiêng tấm chăn mới giặt vậy. Tôi bèn hét toáng lên.
“Brument mắng tôi: ‘Yên nào, con mẹ này.’
“Rồi bọn họ nhấc bổng tôi lên, thả vào thùng nước làm cho tôi lạnh thấu xương.
“Rồi Brument hỏi: ‘Như vậy được chưa?’
“Cornu đáp: ‘Được đa.’
“Brument lại nói: ‘Đầu chưa chìm, như vậy mà đo chắc sẽ không trọn.’
“Thì Cornu đáp: ‘Dận đầu xuống đi.’
“Thế là Brument đè đầu tôi xuống như muốn dìm cho tôi chết, nước vô mũi làm suýt nữa tôi lên chầu trời. Ông dận đầu xuống là tôi chìm nghỉm.
“Sau đó chắc là ông phát hoảng nên mới kéo tôi ra mà bảo: ‘Đi mà hong cho khô, con heo nái.’
“Còn tôi thì cắm đầu cắm cổ chạy tới tận nhà cha xứ. Cha đưa cho tôi mặc tạm cái váy của bà o giúp việc, vì thấy tôi gần như trần truồng, rồi cha đi gọi anh Chicot làm tuần đinh trong làng, anh này chạy sang Criquetot gọi cảnh sát và cảnh sát cùng về nhà với tôi.
“Tới nơi thì chúng tôi thấy Brument và Cornu đang vật nhau như trâu.
“Brument la ầm la ĩ: ‘Không đúng, ông nói cho chú mày biết ít lắm là một khối. Lường không đúng là do cách đo đếm đấy thôi.’
“Cornu cãi: ‘Bốn xô chứ mấy, non nửa khối. Không nói nhiều nữa, cứ thế mà tính.’
“Thầy đội trưởng sai bắt cả hai người. Tôi đã khai hết không còn gì thêm.”
Thị ngồi xuống. Trong phòng xử án ai nấy đều rộ lên cười. Ban bồi thẩm nhìn nhau ngơ ngác. Quan tòa phán:
- Bị cáo Cornu, xem ra ông là chủ mưu tội ác xấu xa này. Ông còn muốn nói gì nữa không?
Đến phiên mình Cornu đứng dậy.
Y đáp:
- Thưa quan tòa, lúc đó tôi say.
Quan tòa nghiêm nghị:
- Tôi biết. Nói tiếp đi.
- Tôi xin kể. Số là khoảng chín giờ sáng, Brument đến chỗ tôi, kêu rót hai ly rồi bảo tôi: ‘Một ly cho anh, Cornu.’ Tôi ngồi đối diện với ông rồi uống, và để cho có qua có lại thì tôi mời ông một ly. Ông ta đáp lễ lại mời thì tôi không thể không mời lại, thế là chúng tôi dốc hết ly này đến ly khác mãi đến chiều mới thôi, lúc đó thì chúng tôi đều say lướt khướt.
“Bỗng Brument bắt đầu khóc lóc. Tôi thấy động lòng thì hỏi chuyện gì mà khóc. Ông ta đáp: ‘Thứ Năm này tôi phải có đủ một ngàn quan.’ Nghe vậy tôi cũng bớt phần sốt sắng, quí toà cũng hiểu mà. Ông ta nói ngay: ‘Tôi xin bán vợ tôi cho anh.’
“Tôi đang say, mà lại góa vợ. Quí toà hiểu cho, tôi nghe cũng mủi lòng. Vợ ổng mặt mũi ra sao tôi đâu biết, nhưng bà ta là đàn bà, phải không? Tôi mới hỏi: ‘Ông muốn bán bao nhiêu?’
“Ông ta suy nghĩ, mà có thể làm bộ suy nghĩ cũng nên. Khi say thì ai mà tỉnh táo cho được, rồi ông ta đáp: ‘Tôi sẽ bán với giá tính bằng mét khối.’
“Tôi nghe nói vậy cũng không ngạc nhiên, vì mình cũng đang say không khác chi ông, vả lại làm nghề như tôi thì một mét khối là chi ai mà không biết. Là một ngàn lít, như vậy nghe cũng tiện.
“Nhưng giá cả phải thỏa thuận trước. Cái gì cũng lấy chất lượng làm chính. Tôi hỏi: ‘Một khối ông tính bao nhiêu?’
“Ông ta đáp: ‘Hai ngàn quan.’
“Tôi nghe vậy thì giật nảy như thỏ, nhưng lại nghĩ rằng một người đàn bà chắc không quá ba trăm lít. Tôi chê: ‘Mắc quá.’
“Ông ta một mực: ‘Không thể bán rẻ hơn được. E thiệt tôi.’
“Ông hiểu cho, có ai đi buôn lợn mà buôn không bao giờ. Nghề nghiệp mình ai không hiểu. Gã hàng thịt đã khôn, thì tôi phải khéo hơn nữa, là vì tôi cũng bán thịt. Ha, ha, ha! Nghĩ vậy tôi bảo ổng: ‘Bà nhà còn tân thì không nói chi, đằng này đã làm vợ ông bấy lâu nay, bây giờ có còn gì hơ hớ như hồi trước. Tôi chịu ông một ngàn rưỡi quan một khối, không thể cho hơn được. Thuận mua vừa bán, không thì thôi.
“Ổng đáp: ‘Vậy cũng được. Hời cho ông đấy!’
“Tôi ưng thuận, và chúng tôi dắt tay nhau ra đi. Ở đời nên giúp nhau mới phải.’
“Nhưng tôi sinh lòng lo ngại: ‘Nếu không dìm bà nhà vào nước thì làm sao đo được?’
“Ông cắt nghĩa mà tôi nghe không khỏi khó hiểu vì ổng đương say. Ông bảo tôi: ‘Tôi lấy một cái thùng đổ đầy nước rồi bỏ bà vào. Ta tính chỗ nước tràn ra ngoài, muốn đo thì tiện nhất là cách đó.
“Tôi đáp: ‘Hiểu rồi, hiểu rồi. Nhưng chỗ nước tràn ra chảy đi mất thì lấy gì gom lại được?’
“Đoạn ông ta vỗ vỗ người tôi, giải thích là hễ mà vợ ổng ra ngoài thì chúng tôi chỉ cần đổ lại nước vào thùng cho bằng chỗ nước tràn ra ngoài là được. Nước đổ vào lại bao nhiêu sẽ lấy đó mà tính. Tôi đoán chừng cũng đến mười xô, tính ra là đủ một khối. Ổng say mà không hề mất trí, đúng là con cáo già.
“Nói vắn gọn là đến nhà ổng tôi mới nhìn mặt bà. Đẹp thì hẳn là không đẹp. Mọi người thấy chưa, bà kia kìa. Tôi nghĩ bụng: ‘Thất vọng quá, nhưng không sao, bà sẽ có ích, đẹp xấu gì cũng như nhau cả thôi, phải không thưa quan lớn?
“Thấy bà gầy đét như que củi tôi mới nhủ: ‘Làm gì tới bốn trăm lít.’ Tôi biết quá đi chứ, dân bán rượu nhà nghề mà.
“Sau đó ra sao thì quí toà đã nghe bà kể. Tôi để bà mặc áo lót với mang vớ là thiệt cho tôi đấy.
“Xong xuôi thì bà ta bỏ chạy. Tôi bảo: ‘Brument, coi chừng! Bà chạy mất.'
“Ổng đáp: ‘Sợ chi. Để tôi bắt lại cho. Thế nào bà chẳng về ngủ, để tôi đo phần nước tràn ra ngoài đã.
“Chúng tôi đo thì không đầy bốn xô. Ha, ha, ha!
Gã nhân chứng cười ngặt nghoẽo khiến một sen đầm phải thoi vào lưng y một phát. Lấy lại bình tĩnh, y kể tiếp:
- Nói tóm lại là Brument thốt lên: ‘Chẳng ra gì cả, như vậy chưa đủ.’ Tôi bèn cãi lấy cãi để, ổng thoi tôi, tôi thoi lại. Tại chúng tôi đều say cả, nên chuyện đó chắc phải đến tận thế mới xong.
“Sau đó các sen đầm đến. Họ văng tục với chúng tôi, lại bắt giam chúng tôi. Tôi bắt phải bồi thường, không tôi không chịu.
Y ngồi xuống.
Brument xác nhận từng lời một của kẻ tòng phạm. Ban bồi thẩm thảy đều sửng sốt lui xuống để bàn quyết.
Cách một giờ sau, họ trở lại tuyên bố hai bị can trắng án, ban cho một bài huấn dụ nghiêm khắc về phẩm giá hôn nhân, và đặt những giới hạn nghiêm ngặt về việc thỏa hiệp buôn bán.
Brument cùng vợ ra về làm lại nhà xưa. Còn Cornu trở lại làm ăn như trước.

-----------------------
[1] một nhạc cụ dùng trong thánh lễ

Dịch 2005 theo bản: GUY DE MAUPASSANT
THE BEST SHORT STORIES
Của nhà xuất bản Wordsworth Editions Limited, 1997
Crib Street, Ware, Hertfordshire SG12 9ET
Tham khảo bản điện tử tại www.web-books.com/eBooks/web-books.htm
Xem lại tháng Ba 2009

Comments

Popular Posts

21. Chuyện Người Con Gái Xinh Đẹp Của Vua Ba-tư-nặc

Truyện 21. Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 2.  Xưa vua Ba-tư-nặc có một người con gái tên là Thiện Quang, thông minh đoan chánh, cha mẹ thương yêu, toàn cung ái kính. Vua cha nói nàng, “Con nhờ sức cha mà được toàn cung ái kính.” Con gái đáp cha rằng, “Con có nghiệp lực, chứ không nhờ sức cha.” Hỏi như vậy ba lần đều đáp như trước. Lúc ấy vua tức giận nói rằng, “Nay ta muốn thử coi con có dựa vào nghiệp lực mình không. Không có cái gọi là nghiệp lực.” Ra lệnh cho tả hữu vô tìm khắp trong thành ấy một người ăn mày nghèo rốt. Quan lính theo lệnh vua đi tìm, được một người hạ tiện dắt về gặp vua. Vua liền lấy con gái Thiện Quang trao phó cho kẻ hạ tiện ấy. Vua nói con gái, “Nếu con có nghiệp lực riêng của mình chứ không nhờ vào ta, từ nay trở đi để nghiệm coi là biết.” Thiện Quang vẫn đáp, “Con có nghiệp lực.” Rồi cùng với cùng nhân dắt nhau ra đi. Hỏi chồng rằng, “Anh trước đây có cha mẹ không?” Cùng nhân đáp, “Cha tôi trước đây là đệ nhất trưởng giả trong thành Xá-vệ, cha mẹ trong nhà đều đ...

84. Người Cụt Tay Chân Cảm Ân Phật Mà Sinh Lên Cõi Trời

Truyện 84, Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 7  Xưa  nước Xá-vệ có người phạm vào vương pháp, bị chặt hết tay chân, vứt bỏ đầu đường. Phật đi đường nhìn thấy, tới bên hỏi, “Ngươi bây giờ khổ chi nhất?” Người cụt đáp, “Khổ nhất là đói.” Liền sai A-nan đem cơm cho. Người cụt mệnh chung sinh lên cõi trời, cảm ơn sâu dày của Phật, xuống cung dưỡng Phật, Phật thuyết pháp cho, đắc tu-đà-hoàn.  Tì-khâu hỏi Phật, “Nhờ nghiệp hạnh chi mà sinh lên cõi trời?” Phật kể, “Người ấy trước ở trong cõi người bị chặt tay chân, vứt bỏ ngoài đường. Phật tới bên, sai đồ đệ đưa cơm cho, người ấy lòng vui mừng, mệnh chung sinh lên cõi trời, lại xuống chỗ ta nghe pháp mà đắc đạo.”     Văn 刖手足人感念佛恩而得生天緣 昔舍衛國,有人犯於王法,截其手足,擲著道頭。佛行見之,即往到邊,而問言曰:「汝於今日,以何為苦?」刖人答言:「我最苦餓。」即勅阿難,使與彼食。其刖人命終生天,感佛厚恩,來下供養,佛為說法,得須陀洹。 比丘問言:「以何業行,生於天上?」 佛言:「昔在人中,被刖手足擲於道頭,佛到其所,勅與其食,心生歡喜,命終生天,重於我所,聞法得道。」 Âm. Ngoạt Thủ Túc Nhân Cảm Niệm Phật Ân Nhi Đắc Sinh Thiên Duyên Tích Xá-vệ quốc, hữu nhân phạm ư vương pháp, tiệt kì thủ túc,...

41. Nhị Quỷ Tranh Bửu Bối (Bách Dụ Kinh)

Bách Dụ Kinh, Dụ thứ 41 Xưa có hai con quỷ đói chung nhau một cái rương nhỏ, một cây gậy và một chiếc guốc. Chúng nảy ra tranh chấp, con nào cũng muốn được ý mình, cãi cọ kịch liệt hết ngày mà không phân xử được. Lúc ấy có người đi tới thấy vậy hỏi, ‘Cái rương, cây gậy và chiếc guốc có chi kì dị mà chúng mày tranh chấp ghê vậy?’ Quỷ đáp, ‘Cái rương này của bọn tao có thể xuất ra đủ thứ, áo quần, ăn uống, giường đệm, ngọa cụ; hết thảy những thứ vật dụng hàng ngày đều từ nó mà ra. Cầm cây gậy này thì oán địch sẽ quy phục, không dám tranh với mình nữa. Mang chiếc guốc này thì có thể khiến người ta bay đi không quái ngại.’ Người ấy nghe thế liền bảo hai con quỷ, ‘Hai đứa bây tránh ra một chút, để tao chia đều cho.’ Bọn quỷ nghe nói vậy liền tránh ra xa. Người ấy ngay tức khắc ôm rương, chụp lấy gậy và xỏ guốc bay mất, hai con quỷ ngơ ngác, tranh nhau cuối cùng không được chi. Người kia nói với quỷ ‘Những thứ bọn bây tranh nhau ta lấy đi hết rồi, bây giờ không có chi phải tranh đoạt nhau nữ...

Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh

Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh Tôi nghe như vầy: Lúc ấy Phật ở trong vườn Kì Thọ Cấp Cô Độc thành Xá Vệ. Tôn giả Đại Mục Kiền Liên mới chứng đắc lục thông, muốn cứu cha mẹ để báo ân bú mớm, dùng đạo nhãn quán sát thế gian, thấy mẹ đang ở trong cõi ngạ quỷ, không được ăn uống, da liền với xương. Mục Liên bi ai, lấy bát cơm đầy đưa xuống cho mẹ. Bà đón lấy bát, tay phải che cơm, tay trái bốc ăn. Cơm chưa đưa vô miệng thì hóa thành than đỏ, cuối cùng không ăn được. Mục Liên kêu lên, khóc lóc thảm thiết, đi nhanh về thưa với Phật, trần thuật lại đầy đủ. Phật nói: “Mẹ ông tội căn sâu dày, chỉ sức ông thôi thì làm chi được! Ông tuy hiếu thuận, vang cả trời đất, nhưng đến cả thiên thần, địa thần, tà ma, ngoại đạo, đạo sĩ, hay tứ thiên vương thần cũng không làm chi được! Phải có uy thần của chúng tăng khắp mười phương mới giải thoát được. Bây giờ ta nói cho ông phép cứu tế, khiến cho tất cả những ai chịu nạn đều khỏi ưu khổ, tội chướng tiêu trừ.” Phật nói Mục Liên: “Thập phương chúng tăng n...