Ngày xưa có một người đi chơi, đến tối một mình vào trọ đêm trong một gian nhà trống. Nửa đêm xuất hiện một con quỷ kéo theo một cái xác chết thả trước mặt người ấy. Một con quỷ khác đuổi theo sau, la to: “Đứng lại đó! Người chết ấy là của tao, sao ngươi dám đoạt đi?” Hai con quỷ ấy mỗi con giữ một cánh tay của người chết bắt đầu tranh chấp. Con thứ nhất nói: “Người chết này của tao mang đi, của tao mới phải.” Con thứ hai cãi: “Của tao mới đúng.” Hai con quỷ cứ thế trợn mắt, phình má kêu gào để tranh cái xác chết “của tao” cho bằng được.
Bỗng con thứ nhất dừng lại. Hai đứa đầu trâu mặt ngựa ấy không hẹn mà cùng thấy người đi chơi nấp ở góc tường. Con thứ hai hỏi người ấy: “Ông nói đi! Người chết của ai?” Người đi chơi nhắm mắt suy nghĩ, hai con quỷ này sức mạnh như vậy, nói thật chết, nói láo cũng chết. Đàng nào cũng chết. Nghĩ vậy rồi người ấy chỉ tay vào con quỷ thứ nhất nói: “Của hắn mang tới.”
Con quỷ thứ hai trợn mắt phình má, bẻ một cánh tay của người đi chơi vứt trên mặt đất. Con quỷ thứ nhất thấy vậy liền lấy một cánh tay của người chết ráp lại cho y. Con quỷ thứ hai lần lượt bẻ tiếp cánh tay kia, chân, đầu, trọn thân thể của người ấy. Còn con thứ nhất lấy thân thể người chết đắp lại cho y. Một lúc sau, toàn thân người đi chơi bị thế bằng thân người chết. Hai con quỷ lấy làm đắc ý ‘kiệt tác’ ấy của mình, bèn cùng nhau ăn thịt ‘người đi chơi’ đã bị con quỷ thứ hai xé ra từng mảnh, ăn xong chùi mép rồi dong thiệt mau. Chỉ còn lại một người mới, ấy là kẻ đội thân người chết, kinh hoàng ở lại trong căn nhà trống.
Toàn thân đã bị hoán đổi, người đi chơi ấy vô cùng khiếp đảm, thân cha mẹ sinh ra đã bị quỷ ăn thịt, còn thân này là thân người khác. Nay mình có thân hay không? Hay là không có thân? Nếu nói là có thì là thân của người khác. Nếu nói là không thì ai là người đứng ở đây? Mình là ai? Ai là mình? Người đi chơi càng nghĩ càng thấy rối bời.
Sáng sớm hôm sau, người đi chơi đội thân chết lên đường, đến một ngôi chùa, thấy có tăng nhân liền hỏi: “Sư phụ ơi, thầy thấy tôi thật là người sống hay người chết? Thân tôi có hay là không? Tôi là ai? Ai là tôi?”
Thầy tu hành kia hỏi: “Cho hỏi ông là ai? Từ phương nào tới?”
Người đi chơi liền thuật lại: “Thưa sư phụ, tôi cũng không biết mình là ai, thậm chí rốt cục tôi có phải là người không?” Bèn đem chuyện tối hôm trước kể lại hết cho thầy tu hành nghe.
Thầy tu hành thấy người này thiện căn đầy đủ, bèn thuyết pháp khai thị cho.
“Thân thể chúng ta vốn do tứ đại giả hợp mà thành, theo nhân duyên nghiệp lực tụ hội mà sinh vào bào thai; duyên tận hết thọ thì tứ đại hoại tán, thân diệt đi, từ đầu tới cuối đều không có thật. Cho nên không phải do hoán đổi thân rồi mới không có ta, cái thân tứ đại giả hợp này vốn không phải là ta, cho nên không có cái ta chân thật. Như vậy thì thân do cha mẹ sinh ra, hay thân của người chết này có gì khác nhau đâu?” Người đi chơi nghe đạo lí ấy có chỗ ngộ, bèn xuất gia tu hành, yên ổn trong tăng đoàn mà dụng công, chẳng bao lâu dứt hết mọi phiền não, chứng đắc quả A-la-hán.
Trích Đại Trí Độ Luận, quyển II.
Comments
Post a Comment