Ngày xưa có một người tên là A Tam, giàu có hơn người, có thể
nói là của cải đầy nóc, nhưng lại ngu si không ai bằng.
Có một hôm A Tam tới nhà bạn làm khách, thấy tòa nhà ba tầng
nguy nga của bạn, phú lệ đường hoàng, thì vô cùng thích thú, nghĩ bụng: “Của cải
mình đâu có thua ông ta, mình cũng phải xây một căn nhà như vậy.”
Hôm sau trời mới tờ mờ sáng, A Tam đã cho người đi tìm thợ mộc,
chuẩn bị xây nhà. Người thợ mộc ấy chính là người đã kiến tạo căn nhà ba tầng
cho người bạn của A Tam. A Tam trong lòng mừng rỡ, đem căn nhà ấp ủ trong lòng
ra nói cho thợ mộc nghe. Thợ mộc nghe xong nói:
“Không có gì, ông cứ yên tâm. Tôi bảo đảm sẽ làm cho ông một
căn nhà ba tầng xuất chúng.”
Quả nhiên người thợ mộc không nuốt lời, qua hôm sau đã mang người
tới bắt đầu đào bới, đục gõ. A Tam thấy thế, rất là hưng phấn và kì vọng. Xây
nhà lầu, thì thứ nhất là phải đào móng, người thợ mộc tài ba đó đương nhiên
không thể làm khác. Trước tiên ông cho người đào đất, san phẳng, làm móng, làm
việc hết mình. Nhưng mà A Tam đứng bên coi thợ thấy thế thì nóng lòng, luôn miệng
lầm bầm rằng: “Làm như thế thì tới lúc nào mới xong căn nhà ba tầng?”
Nghĩ vậy A Tam vội vàng nói với thợ mộc: “Không được, không
được, tôi chỉ muốn nhà ba tầng thôi, ông đang làm gì vậy?”
Thợ mộc đáp: “Phải, tôi theo yêu cầu của ông, đang ráng sức
làm nhà ba tầng đây.”
A Tam bảo: “Nhưng tôi không muốn hai tầng phía dưới, ông chỉ
cần dựng cho tôi tầng thứ ba là được rồi.”
Thợ mộc đáp: “Như vậy thì sao mà làm được. Xưa nay tôi chưa
xây căn nhà nào mà không cần móng, không từ tầng một mà làm lên cả.”
A Tam vẫn ngoan cố bảo: “Thôi, tôi không cần hai tầng dưới,
ông chỉ cần dựng cho tôi tầng ba là được.”
Người thợ mộc đáng thương ngớ người ra, thật không biết phải
làm như thế nào.
Viết lại theo “Bách Dụ
Kinh”
“Lên cao mới thấy mình nhỏ bé, đi xa mới thấy mình nông cạn”, làm việc gì cũng phải theo thứ bậc, từ gốc mà đi lên, mới có thể thành tựu, không thể một bước mà lên trời ngay được. Trên đời có nhiều người muốn thành đại khoa học gia, đại xí nghiệp gia, nhưng lại không chịu đạp chân trên đất mà cầu học và làm việc, như vậy thì có được không?
Nguyên văn
Comments
Post a Comment