Ngày xưa, lúc ở vườn Kì Thọ Cấp Cô độc thuộc nước Xá Vệ Bụt có lần khai thị với chúng đệ tử:
“Trên đời có bốn loại người tu hành: loại thứ nhất là thân an lạc mà tâm không
an lạc, loại thứ hai tâm an lạc mà thân không an lạc, loại thứ ba là thân tâm đều
không an lạc, và loại thứ tư là thân tâm đều an lạc pháp hỉ.
Thế nào gọi là người tu hành thân an lạc mà tâm không an lạc?
Có người đi tu nhờ được chúng cư sĩ bố thí làm phước, cho nên tứ sự - y bị, ăn
uống, chỗ ngồi, thang dược – đều không thiếu. Nhưng do sức tu hành chưa vững
nên phiền não vẫn chưa đoạn trừ, chưa thành đạo quả, tương lai sẽ phải sinh tử
luân hồi, khó tránh phải đọa vào đường ác ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Người tu
hành như vậy gọi là thân an mà tâm không an.
Còn như thế nào gọi là người
tu hành tâm an lạc thân bất an lạc? Có hành giả chứng được quả vị A-la-hán, do
không tích cực tu thiện bồi phúc, tích tác công đức nên không được cung dưỡng tứ
sự y phục, đồ ăn uống, ngọa cụ và thuốc men. Nhưng do họ đã đoạn tận kiến hoặc,
tư hoặc, không rơi vào luân hồi sinh tử nữa, không rơi vào chỗ ngạ quỷ, súc
sinh, và địa ngục nữa, giống như Tì kheo Duy-Du đã chứng đắc A-la-hán vậy. Những
người như vậy, gọi là tâm an lạc mà tâm không an lạc.
Người tu hành như thế nào mà thân tâm đều không an lạc? Do cư
sĩ không hành thiện bố thí, không làm công đức nên tu sĩ ấy không được cấp cho
tứ sự y áo, cơm ăn, ngọa cụ và thuốc
men, cũng không biết cách cho tâm an, phiền não kiến hoặc, tư hoặc vẫn chưa đoạn
trừ, tương lại sẽ sinh vào luân hồi, khó thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc
sinh. Người tu hành như vậy là người tu hành thân tâm đều không được an lạc.
Người tu hành như thế nào mà thân tâm đều an lạc? Thánh giả
đã chứng đắc A-la-hán, do tích nhiều phúc và tuệ, hay làm công đức nên không
thiếu tứ sự, nhờ vậy mà thân được an lạc, lại cũng không còn đọa vào ba đường
ác; giống như Tì khưu Hộ-ba-la vậy.
Các vị, thế gian có bốn loại người tu hành như vậy, các vị
nên tinh cầu chính phương tiện, nên giống như Tì khưu Hộ-ba-la, dụng công tu
hành như ông ấy.
Lúc ấy, chúng đệ tử ngồi nghe giáo huấn đều pháp hỉ sung
mãn, y giáo phụng hành.
Comments
Post a Comment