Về sau Cưu Na La cùng vợ rời
khỏi Đức Xoa Thi La hướng cố quốc mà đi. Hai vợ chồng lớn lên trong phú quý, thậm
chí chưa từng đi đường xa, làm sao kham được cái lụy đi đường gian nan? Hai người
trên đường ăn sương ngủ gió, nhờ Cưu Na La giỏi đánh đàn, biết ca xướng và tấu
nhạc nên đi đường dùng tài đó mà kiếm ăn, dần dần về được bổn quốc. Lúc tiến
vào hoàng cung thì bị lính giữ cửa ngăn trở, đành phải đi ở trong chuồng ngựa. Quá
nửa đêm, Cưu Na La đánh đàn mà hát, rằng: ‘Mắt của ta đã mất, nhưng đã thấy tứ
đế.’ Lại nói kệ: ‘Người có trí tuệ, thấy được chân tướng sáu căn và sáu trần, lấy
trí tuệ làm đèn soi thì có thể ra khỏi sinh tử. Cái khổ của chúng sinh hữu tình
trong tam giới tất cả đều từ tâm mà ra, nay phải thấy cho rõ những lầm lạc của
chúng sinh hữu tình trong tam giới. Muốn cầu cái vui lớn, thì phải quán niệm để
thấy rõ châng tướng sáu căn và sáu trần.’ (*)
Vua A Dục nghe thấy thanh âm
quen thuộc trong lòng rất đỗi vui mừng. Vua nói: ‘Hôm nay có người nói kệ, lại
nghe tiếng đàn giống như là tiếng con ta Cưu Na La. Nếu đã về rồi sao ta còn
chưa thấy?’ Vua bèn truyền cho cung nhân: ‘Âm thanh trong trẻo ấy nghe như tiếng
của Cưu Na La, nhưng tại sao tiếng hát nghe buồn bã như vậy, nó khiến lòng ta
nao nao không thôi, giống như voi mẹ mất con nghe được tiếng nó mà tâm sợ hãi
không nguôi. Các ngươi đi xem có phải Cưu Na La trở về không? Nếu đúng là nó
thì đưa vô ta gặp.’ Cung nhân vâng mệnh vua, tới chuồng ngựa dò xét cho rõ, chỉ
thấy có người mù mắt và áo quần lam lũ, cho rằng chẳng phải Cưu Na La vương tử.
Họ quay trở về bẩm vua rằng chỉ có người mù cùng vợ ở trong chuồng ngựa, chẳng
phải Cưu Na La.
Vua A Dục nghe lời cung nhân
xong buồn rầu nói: ‘Ngày trước ta mộng thấy Cưu Na La mù mắt, nay người mù ấy ắt
là Cưu Na La. Các ngươi tới đó lần nữa, dắt người ấy về đây, ta nghĩ đó là con
ta vì trong lòng thấy bất an.’ Cung nhân lại tới chuồng ngựa, hỏi: ‘Cha ngươi
là ai? Ngươi tên gì?’ Cưu Na La đáp: ‘Cha tôi tên A Du Kha, dòng dõi Khổng Tước,
toàn bờ cõi đều do ông ấy cai trị. Tôi là con ông ta, tên Cưu Na La, họ là Pháp
Vương Phật, nay là pháp vương tử.’
Cung nhân nhanh chóng đưa
Cưu Na La cùng vợ vào cung. Lúc vua A Dục nhìn thấy Cưu Na La, mặc áo rách rưới,
nắng gió tần tảo, dung nhan biến đổi, thậm chí vua không nhận ra được vương tử
ngày trước, nên trong lòng nghi hoặc. Vua hỏi: ‘Ngươi là Cưu Na La sao?’ Cưu Na
La đáp: ‘Con đây.’
Vua A Dục đầu óc quay cuồng.
Người xung quanh thấy nhà vua bi thống như vậy, cảm khái nói: ‘Nhà vua nhìn thấy
Cưu Na La, có mặt mà không có mắt, bị khổ não thiêu đốt, từ trên ngai ngã xuống
đất.’ Tạt nước cho tỉnh dậy rồi vua A Dục lên lại chỗ ngồi, xốc Cưu Na La lên
ngồi trên chân mình, ôm lấy cổ con như ôm một đứa bé, khóc lóc sướt mướt. Vua
vuốt đầu con, nhớ tới dung nhan ngày trước mà nói: ‘Đôi mắt đẹp của con nay đâu
mất rồi? Vì sao mất mắt nói cho ta nghe? Con nay không còn mắt hệt như trời đêm
không có mặt trăng, hình dung biến dị, việc này là ai gây ra? Dung mạo ngày trước
của con giống như tiên nhân, ai mà không có lòng từ bi đã hủy hoại đôi mắt của
con? Con ở đời có oán thù với ai? Ta khổ não cũng là ở đây mà ra, thân tướng
con xinh đẹp như thế ai đã hủy hoại? Lửa tâm phiền muộn nay đốt thân ta, giống
như sét dữ đánh trốc gốc cây. Sét phiền não cũng phá tâm ta như thế. Nhân duyên
đó con phải nói ngay cho ta nghe.’
Cưu Na La đáp kệ:
‘Vương không nghe lời Phật nói sao, quả báo không thể thoát, dù là bích chi phật
cũng không tránh thoát được. Tất cả phàm phu đều là do nghiệp tạo ra. Nghiệp
duyên của thiện ác tới thời thì phải hứng lãnh. Mọi chúng sinh tự làm tự chịu lấy.
Tôi vì biết duyên ấy nên sẽ không nói người hủy mắt tôi. Cái khổ này do tôi gây
ra, chứ không có tác giả nào khác. Nhân duyên mất đôi mắt này không do người
khác làm ra. Mọi cái khổ của chúng sinh đều là như thế. Đều do nghiệp tạo nên.
Nhà vua nên biết như thế.’
Trong thời khắc bị lửa thống
khổ thiêu tâm, vua A Dục nói: ‘Con mà nói ra kẻ đó là ai, thì ta không sinh tâm
sân hận. Nếu không nói thì tâm ta điên loạn bất an.’ Vua A Dục nhớ từng để cho
Vi Sa Lạc Khởi Đa làm vua bảy ngày, biết rằng việc này nhất định là bà ta gây
ra, liền lập tức cho vời đến. Vua nói với bà ta: ‘Bà làm chuyện ác tày trời,
sao còn chưa nằm xuống? Bà phạm vương pháp, gây tội đại nghịch với ta. Đã gây
ác như vậy rồi thì ta nay truất phế bà, giống như người tu trừ bỏ việc chẳng
lành.’
Vua A dục càng nghĩ càng nổi
thịnh nộ, lửa hận thiêu tâm, muốn trừng trị Vi Sa Lạc Khởi Đa: ‘Ta hôm nay muốn
móc mắt bà ra, muốn dùng cưa sắt mà phanh thây bà, muốn dùng rìu mà chặt thân
bà, dùng dao cắt lưỡi, dùng dao cứa cổ, dùng lửa thiêu thân, cho bà uống thuốc
độc để trừ mạng sống của bà đi.’ Cưu Na La nghe phụ vương muốn xử trị Vi Sa Lạc
Khởi Đa thì lòng sinh bi mẫn, nói với quốc vương: ‘Bà đã gây nhiều ác nghiệp rồi,
đại vương nay không cần giết bà làm gì. Trong mọi sức mạnh thì không sức mạnh
nào hơn được nhẫn nhục. Thế tôn đã dạy như thế, sức của nhẫn nhục là mạnh nhất.’
Các tì khưu nghe chuyện trắc
trở của Cưu Na La xong, tâm sinh nghi vấn, hỏi đại đức Ưu Ba Cấp Đa: ‘Cưu Na La
đời quá khứ gây ra ác nghiệp gì mà đời nay chịu quả báo như thế?’ Đại đức đáp:
‘Trước đây nhiều kiếp, nước Ba La Nại có một người thợ săn hay vào Núi Tuyết giết
hươu. Có một lần trên núi nổi sét đánh thình lình, lúc ấy có năm trăm con hươu
vì sợ hãi nên vô trong hang đá ẩn náu, bị ngay người thợ săn bắt sạch. Thợ săn
nghĩ bụng, nếu giết chết hết thì thịt sẽ hư thối, nên trong lòng sinh ác niệm:
trước là móc hết mắt của bầy hươu, khiến nó không biết đường đi, mà cũng không
chết, sau mới làm thịt dần dần. Cuối cùng thợ săn ra tay móc hết mắt của bầy
hươu. Các vị tì khưu, người thợ săn kia chính là Cưu Na La hiện nay, do nghiệp
ác trong quá khứ mà nhiều kiếp liên tiếp chịu khổ ở địa ngục; chịu xong quả báo
địa ngục mới sinh lên thân người, nhưng trong năm trăm đời lại thường chịu cái
nạn bị móc mắt. Đời này là đời cuối cùng ông ấy chịu quả báo đó.’
Các tì khưu lại hỏi: ‘Lại vì
nhân duyên gì ông ấy sinh vào nhà quý tộc? Không chỉ hai mắt sáng đẹp mà sau
còn chứng đắc quả vị La Hán?’ Đại đức đáp: ‘Trong quá khứ rất lâu, lúc ấy thọ mạng
người lên tới bốn vạn năm, có một vị phật tên là Ca La Cưu Thôn Đại ra đời. Khi
Như Lai đã độ thoát hết tất cả những ai nên độ thoát trên thế gian, những người
chưa được độ thoát đều đã tạo nhân duyên đắc độ, thế duyên đã hết, nên phật ấy
nhập vô dư niết bàn. Lúc ấy có một quốc vương tên là Trang Nghiêm, xây cho Thế Tôn bốn bảo tháp.
Sau khi quốc vương qua đời, vương đệ của ông ấy không tin Phật, nên lấy đi hết
trân bảo trong bảo tháp, chỉ để lại khung nền làm bằng đất, gỗ. Dân chúng thấy
bảo tháp bị hủy hoại, lòng sinh buồn rầu, oán phẫn.
Lúc ấy có một vị trưởng giả
hỏi mọi người: ‘Vì sao các ông buồn bã như vậy?’ Mọi người đáp: ‘Tháp của Thế
Tôn vốn bày tứ bảo, nay toàn bộ đều bị hủy tán, chúng tôi vì thế mà buồn rầu
không dứt.’ Vị trưởng giả phát tâm dùng bốn món châu báu dựng lại bảo tháp, mà
so với tháp nguyên bản còn uy nghi và trang nghiêm hơn nữa. Lại dựng tượng vàng
Như Lai, đặt ở giữa tháp. Khi bảo tháp trùng tu xong, trưởng giả hết lòng phát
nguyện: ‘Ca La Cưu Thôn Đại là đạo sư của thế gian, tôi nguyện đời sau sẽ ngộ
kiến bậc đại giác thế tôn làm đạo sư của mình.’
Các vị tì-khưu nên biết, vị
trưởng giả lúc ấy nay là Cưu Na La, nhờ duyên lành có lòng khôi phục bảo tháp của
Ca La Cưu Thôn Đại Như Lai mà đời nay sinh vào dòng dõi quý tộc, lại nhờ nhân
duyên dựng kim tượng của Như Lai mà đời nay hưởng quả báo thân tướng đoan
nghiêm bậc nhất. Lại theo sở nguyện mà đời nay gặp được giáo pháp của Phật
Thích Ca Mâu Ni, và khế ngộ tứ đế, chứng đắc thánh quả.
---
(*) Kệ văn: 若人有智慧,見十二入等,以智慧為燈,得解脫生死。三有中之苦,悉為自心苦,三有中之過,今應當知之,若欲求勝樂,當思十二入。Nhược nhân hữu trí tuệ, kiến thập nhị nhập đẳng, dĩ trí tuệ vi đăng, đắc giải thoát sinh tử. Tam hữu trung chi khổ, tất vi tự tâm khổ. Tam hữu trung chi quá, kim ứng đương tri chi, nhược dục cầu thắng lạc, đương tư thập nhị nhập.
---
Truyện
trích trong ‘A Dục Vương Kinh, quyển bốn, phẩm thứ tư Cưu Na La Nhân Duyên’
Comments
Post a Comment