Tạp A Hàm, Kinh thứ 406
Lần ấy Phật ở lại giảng đường Trùng Các bên cạnh ao Di-hầu.
Một hôm Thế Tôn nói với các tì-khưu:
- Giả sử đại địa đều biến thành biển lớn hết, có một con rùa mù thọ vô lượng kiếp, trăm năm mới nổi một lần. Trên biển có khúc gỗ, giữa có cái lỗ, khúc gỗ ấy theo sóng gió trôi dạt khắp đông tây. Rùa mù trăm năm mới nổi một lần có khi nào chui đầu vào cái lỗ đó không?
A-nan bạch Phật:
- Không thể được, Thế Tôn! Vì sao vậy? Rùa mù kia nếu nổi ở phía đông, thì khúc gỗ có thể theo gió dạt ở tây, hoặc nam hoặc bắc, cứ tránh nhau quanh bốn phương như thế hẳn không thể gặp được.
Phật bảo A-nan:
- Rùa mù với khúc gỗ nổi tuy xa lìa nhưng có lúc còn gặp nhau, chứ phàm phu ngu si trôi nổi trong năm đường nhất thời có được thân người là rất khó có. Vì sao vậy, chúng sinh không hành nghĩa, không hành pháp, không hành thiện, không theo chân thật, luân phiên sát hại nhau, mạnh hiếp yếu, tạo vô số ác nghiệp. Vì vậy mà tì-khưu, ai chưa khế ngộ tứ thánh đế hãy tinh cần các pháp môn phương tiện, khởi lòng cầu đạo cao thượng, tu học con đường không chướng ngại.
Phật nói kinh ấy xong, chư tì-khưu nghe Phật nói hoan hỉ phụng hành.
「生世為人難,值佛生信難,猶如大海中,盲龜遇浮木。」
Sinh thế vi nhân nan, trị Phật sinh tín nan, do như đại hải trung, manh quy ngộ phù mộc.
Sinh ra làm người là khó
Gặp Phật tin pháp là khó
Giống như trong biển lớn
Con rùa mù đụng khúc gỗ trôi nổi.
Dịch theo bản chữ Hán của CBETA:
Comments
Post a Comment