Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, Truyện thứ 22
Xưa có một nước ngũ cốc chín đầy, nhân dân yên ổn, không ai tật bệnh, ngày đêm múa hát không thấy buồn lo. Vua hỏi quần thần: ‘Ta nghe thiên hạ có họa, nó thế nào?’ Đáp: ‘Thần cũng chưa thấy.’ Vua bèn sai sứ thần sang lân quốc tìm mua họa. Thiên thần bèn hóa thành người bán họa ở chợ, hình trạng của nó giống con heo cầm khóa sắt trói chặt. Sứ thần hỏi: ‘Nó tên chi?’ Đáp: ‘Họa mẫu.’
Hỏi: ‘Bán nhiêu tiền?’ Đáp: ‘Ngàn vạn.’ Sứ thần bèn ngắm kĩ nó rồi hỏi: ‘Nó ăn chi?’ Đáp: ‘Mỗi ngày ăn một thưng kim.’
Sứ thần bèn kêu gọi nhà nhà tìm kim. Thế là nhân dân hai người, ba người gặp nhau là hỏi kim, khiến cho khắp quận huyện loạn cả lên, bi thảm hơn cả hoạn độc. Quần thần tâu vua: ‘Con họa mẫu này khiến dân loạn, trai gái thất nghiệp, mau đem giết đi.’ Vua đáp: ‘Được.’ Bèn đưa nó ra ngoài thành, đâm không thủng, chém không đứt, bửa không chết, chất củi đốt thì thân nó đỏ lên như lửa rồi bỏ chạy, qua làng đốt làng, qua chợ đốt chợ, vô thành đốt thành. Nó chạy khắp nước như thế, cả nước nhiễu loạn, nhân dân đói kém, ngồi một chỗ mà lo sợ. Đang sướng mà mua họa là vậy.
(Truyện thứ 22, Cựu Tạp Thí Dụ Kinh. Nhan đề do tôi đặt. Đăng lần đầu trên facebook 29 Aug 2021)
舊雜譬喻經
Comments
Post a Comment