Người Nghèo Giả Tiếng Uyên Ương
Bách Dụ Kinh, Dụ thứ 47
Xưa nước kia có tập tục vào ngày tiết khánh thì tất cả đàn bà đeo hoa ưu-bát-la làm trang sức. Có người kia nghèo, vợ hắn nói: ‘Ông nếu kiếm được hoa ưu-bát-la cho tôi đeo thì làm vợ tiếp, nếu không tôi bỏ ông mà đi.’ Người chồng vốn có tài bắt chước tiếng của chim uyên ương, bèn lẻn vào hồ nước của vua, giả kêu như uyên ương để hái trộm hoa ưu-bát-la. Lúc ấy lính canh hồ hỏi: ‘Ai ở trong hồ đấy?’ Người nghèo kia buột miệng đáp: ‘Tôi là chim uyên ương.’ Lính canh hồ bèn bắt anh ta lại, giải tới chỗ vua. Trên đường đi người kia cất tiếng hót như uyên ương. Lính canh hồ nói: Lúc đầu không kêu, bây giờ kêu thì ích gì?
Người ngu trên đời cũng như thế, suốt đời toàn sát sinh hại người, tạo đủ thứ ác nghiệp, không nhiếp tâm hướng thiện, đợi đến lúc lâm tử mới nói: ‘Bây giờ mình bắt đầu tu thiện.’ Ngục tốt bắt đi giao cho Diêm La Vương, muốn tu thiện nghiệp cũng không còn kịp. Giống như người ngu kia, sắp tới chỗ vua mới giả tiếng uyên ương.
百喻經
Comments
Post a Comment