TỬ NGƯ LUẬN CHIẾN(*)
Quân Sở đánh Tống
để cứu viện Trịnh. Vua Tống là Nhượng Công nghinh chiến. Đại Tư Mã là Công Tôn Cố
ngăn cản, ‘Trời phế nhà Thương đã lâu, nay bệ hạ đòi vực dậy, [trái mệnh trời] trời không
dung thứ.’ [Nhượng Công] không chịu nghe.
[Quân Tống] với
quân Sở giao chiến ở bến Hoằng Thủy. Khi quân Tống hàng ngũ đã chỉnh tề thì quân
Sở vẫn chưa qua sông. Đại Tư Mã thúc, ‘Chúng đông mà ta ít, thừa lúc chúng chưa
qua sông, xin đại vương cho đánh.’ Nhượng Công đáp, ‘Không đánh được’. [Khi quân
Sở] đã vượt sông nhưng thế trận chưa thành, [Đại Tư Mã] lại thúc đánh. Nhượng Công
bác, ‘Chưa đánh được’. [Đợi cho quân Sở] bày trận xong mới đánh. Quân Tống đại
bại. Nhượng Công bị thương ở đùi. Binh sĩ bị giết sạch.
Người trong nước oán Nhượng Công. Nhượng Công biện hộ, ‘Quân tử không đánh bồi người đã bị thương, không bắt [tù binh] người đã hai thứ tóc. Phép nhà binh ngày xưa không ép người vào hiểm ải[1]. Quả nhân tuy là kẻ vong quốc còn sót lại cũng không tiến binh đánh khi đối phương chưa bày thế trận[2].’
[Công Tôn Cố tên chữ là] Tử Ngư đáp, ‘Chủ
công chưa biết tranh chiến. Kẻ địch cường bạo bị kẹt ở nơi hiểm ác lại chưa bày
kịp thế trận, đó là trời giúp ta. Ép mà đánh thì có chi đánh không được? Còn chi
nữa mà sợ đánh không được chớ! Chưa kể mình đang tranh cường với kẻ mạnh, cho
dù là già cả, bắt được thì cứ bắt, cần gì phải biết trên đầu nó có hai thứ tóc?
Nêu cao sỉ nhục [chiến bại], huấn luyện chiến đấu chẳng qua là để giết giặc. [Giặc]
bị thương mà chưa chết, sao không bồi cho nó chết? Thương kẻ địch trọng thương chẳng
bằng ngay từ đầu đừng đánh, thương đứa hai thứ tóc chẳng bằng khuất phục nó.
Cầm ba quân hơn nhau ở chỗ biết tận dụng lợi
thế, gõ phèng la đánh trống nói cho cùng là để chấn tác dũng khí. Thời cơ đến mà
[chủ công] biết dùng, thì đã dồn quân giặc vào hiểm ải mà đánh úp nó. [Nếu chủ công
hiểu] tiếng cổ vũ vang rền kích dương chí khí sĩ tốt thì hẳn đã phát trống lệnh[3]
khi quân địch còn đang nháo nhác.
(*) lời giới thiệu viết trên facebook
[1] Biện hộ cho cái phủ quyết ‘không đánh được’ khi
quan Tư Mã thúc đánh quân Sở chưa qua sông hết.
[2] Biện hộ cho cái phủ quyết định ‘chưa đánh được’.
[3] Phép hành quân thời xưa hễ phát lệnh bằng kim khí
(như phèng la) thì thoái, bằng trống thì tiến.
Comments
Post a Comment