Dụ 27. Tạp Thí Dụ Kinh T0207
Xưa có người bắt chim thành nghề, giăng la võng trên đầm, lấy đồ chim ăn bỏ vô lưới làm mồi. Bầy chim gọi bạn tranh nhau tới ăn. Điểu sư rút võng, bầy chim rớt hết vô trong. Lúc ấy trong đàn có một con to, dũng mãnh, cử thân bay lên rồi cùng cả đàn kéo võng bay đi. Điểu sư thấy bóng đàn chim nên đi theo. Có người nói điểu sư, ‘Chim bay trên hư không ông lại đi bộ theo bắt, sao mà ngu!’ Điểu sư đáp, ‘Không phải như ông nói. Đàn chim ấy trời tối phải tìm chỗ trú ẩn, bay không cùng hướng, thế nào cũng rớt.’ Người ấy cứ đi theo không dừng. Trời về chiều, ngẩng lên thấy bầy chim tranh nhau bay, có con sang đông, con sang tây, có con muốn về rừng rậm, con muốn xuống vực sâu. Bay tứ tung như thế chẳng mấy chốc thì rớt, điểu sư bắt lại được và đem giết thịt hết.
Người bắt chim giỏi ví như Ba-tuần, giăng lưới ví như kiết sử, mang cả lưới bay đi ví như người chưa lìa kiết sử mà muốn thoát khỏi trói buộc, chiều tối hạ cánh ví như người lười biếng tâm sanh bạc nhược không thể thăng tiến được, tìm chỗ tá túc bất đồng ví như vân khởi sáu mươi hai [tà] kiến mãi mãi tương phản nhau, đàn chim rớt xuống đất ví như người chịu tà báo đọa lạc địa ngục. Chuyện này muốn nói kiết sử và trần cấu chính là lưới ma.
雜譬喻經 T0207
Comments
Post a Comment