Dụ 3. Tạp Thí Dụ Kinh T0204
Xưa nước Kế-tân có một bồ-tát lúc mới sanh rớt xuống đất, mặt đất chấn động mạnh, cha mẹ đều thất kinh, có chân nhân cúi đầu tác lễ, rải hoa cúng dường. Vị ấy sau lớn xuất gia, thệ nguyện sáng rỡ, trí tuệ thông đạt mà rất phóng đãng, không có pháp độ; tuy vậy, kẻ nghe thuyết pháp đều khiến cho đắc đạo. Lúc ấy có hai người cùng thọ giới tì-khâu, ở tinh xá thủ giới thanh bạch đã nhiều năm nhưng tâm ý chưa khai giải. Thiên thần báo cho hai tì-khâu này biết ngoại quốc có tì-khâu kia hóa độ được nhiều người. Hai người liền lên đường đi xa thỉnh giáo tì-khâu ấy. Lúc hai vị tới cầu kiến thì tì-khâu nước kia đang thông dâm với dâm nữ. Một người vô trước lễ kính xong ngồi xuống, dâm nữ vẫn cứ nằm đó, dáng dấp đẹp tuyệt trần; vị tì-khâu khách chuyên tâm nghe kinh, lòng không gợn tà niệm, đắc đạo tích, cúi đầu ra về. Ra bảo người kia vô tác lễ vấn kinh mà nghe thuyết pháp. Người này thấy dâm nữ, trong lòng nghĩ, ‘Ông này dâm uế bất lương, thật uổng công đi đường xa.’ Bèn bỏ ra ngoài. Tì-khâu [bồ-tát] hỏi, ‘Sao buồn rầu vậy? Trong lòng có tà kiến a?’ Đáp, ‘Thật là sai lầm, chúng tôi lặn lội đường xa vất vả, mà sư thì ô trọc, làm chuyện bậy bạ.’ Sư bảo, ‘Ông sai quá rồi. Học đạo chỉ cần chính tâm tiếp thụ pháp khai tuệ, sao lại bắt bẻ thị phi cho sinh ác niệm, cuối cùng không được sở đắc gì.’ Thầy tăng kia bèn chính tâm, đi vào lại nghe sư giảng kinh, cũng đắc đạo tích. Hai vị khách tăng đắc Ứng Chân xong, sư thiết cơm đãi, ăn xong quay về bổn quốc.
Về sau sư coi tháp tự, tiêu phí rất nhiều tăng vật lại thông dâm hưởng lạc quá độ. Chúng tăng bàn nhau trục xuất sư, có một vị chân nhân nói, ‘Chớ đuổi đi. Tuy hoang phí tăng vật nhưng năng hóa độ nhiều người.’ Bèn cho ở lại mà không đuổi đi. Chân nhân ấy đứng ra nói, ‘Bảo hai người đệ tử trước của ông đi xin đồ mà trả lại chúng tăng cho đủ.’ Liền sang nước kia, được rất nhiều bảo vật, đem về trả lại cho chư tăng hết thảy.
Văn
學士法但當正心聽受慧解,焉譏是非?自生惡念,令無所得。
Học sĩ pháp đãn đương chính tâm thính thụ tuệ giải, yên cơ thị phi, tự sinh ác niệm, lịnh vô sở đắc.
雜譬喻經 T0204
Comments
Post a Comment