Truyện 11. Tạp Bảo Tạng Kinh Quyển 2.
Xá-vệ quốc có người con trai nhà trưởng giả xuất gia vào Phật pháp, thường vui ở với người thân và quyến thuộc, chứ không muốn ở chung với đạo nhân mà tu hành, cũng không thích đọc kinh hành đạo. Phật dạy tì-khâu ấy hướng tâm vào a-luyện-nhã tinh cần tu tập, nhờ đó đắc a-la-hán, đầy đủ lục thông.
Các tì-khâu khác nghi quái, bạch Phật, “Thế Tôn xuất thế thật là kì đặc. Vị trưởng giả tử ấy được Thế Tôn dạy cho an lập trong xứ a-luyện-nhã, đắc quả a-la-hán đạo, đầy đủ sáu loại thần thông.”
Phật nói chư tì-khâu, “Không phải chỉ có ngày hôm nay tôi mới an lập cho ông ấy, mà trong quá khứ cũng đã từng an lập cho.” Chư tì-khâu bạch Phật, “Không rõ Thế Tôn trong đời quá khứ an lập ông ấy như thế nào?”
Phật nói chư tì-khâu, “Trong thời quá khứ có một tiên nhân ở chốn san lâm. Lúc ấy đời đại hạn, ở trong núi dưa trái, gốc thân, cành lá đều khô ran hết. Lúc ấy tiên nhân thân thiện với một con thỏ, nói với thỏ, ‘Nay ta muốn xuống làng mạc khất thực.’ Thỏ bảo, ‘Đừng đi. Tôi sẽ cho ông đồ ăn.’ Nói xong thỏ liền gom một đống củi, rồi nói tiên nhân, ‘Hãy ăn thịt tôi, trời sẽ làm mưa, ông ở thêm ba ngày hoa quả ra lại hái mà ăn, chớ đừng đi vào chỗ người.’ Nói vậy xong liền châm lửa cháy rực rồi lao thân vào. Thiên nhân thấy vậy tư duy như vầy, ‘Con thỏ ấy từ nhân, bạn lành của ta, vì muốn làm thức ăn cho ta mà xả thân mệnh, thiệt là việc khó làm nổi.’ Tiên nhân lúc ấy sanh đại khổ não, lấy thịt ăn. Bồ-tát hành khổ hạnh khó làm như vậy, cung điện của Thích-đề-hoàn-nhân chấn động, vị trời ấy tự niệm, ‘Hôm nay vì nhân duyên chi mà cung điện của mình chấn động?’ Quán sát thì thấy thỏ năng hành nan sự, cảm động việc làm của nó nên làm mưa liền. Tiên nhân kia bèn ở lại núi ăn dưa quả, tu tập sau đắc năm loại thần thông.
“Quý vị nên biết tiên nhân ngũ thông lúc ấy nay là tì-khâu này. Con thỏ lúc ấy nay là thân ta. Nhờ ta xả thân mà tiên nhân ấy ở lại xứ a-luyện-nhã, đắc năm loại thần thông; huống là hôm nay không làm cho tì-khâu ấy lìa xa quyến thuộc, ở lại trong a-luyện-nhã, đắc quả a-la-hán được sáu loại thần thông hay sao?”
Văn
雜寶藏經第2卷
Comments
Post a Comment