Trong tiếng Việt có nhiều từ ngữ Hán Việt có chữ tín, như tín nhiệm, thành tín, trung tín, ấn tín, thư tín, tín ngưỡng, đều trỏ ý là như thật, đáng tin cậy. Người lớn hay khuyên người trẻ làm gì cũng phải giữ chữ tín. Ngũ thường trong luân lí của Á Đông có đức tín.
Theo lối chiết tự thì chữ tín 信 gồm bộ nhânイvà chữ ngôn言. Nhân イ, tức là người; còn ngôn 言 theo Hứa Thận trong Thuyết Văn Giải Tự nghĩa là “trong lòng có gì thì nói nấy (“Trực ngôn viết ngôn). Người ta cũng nói “Ngôn, tâm thanh dã” (Lời là tiếng nói của con tim). Vậy tín là có thành ý, không thay đổi, tạo được sự tin cậy nơi người khác.
Nho sĩ rất coi trọng đức tín trong xử thế, đặt nó thành một trong năm đức tốt mà một người đạo đức phải có: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Khổng Tử ví đức tín như cái đòn buộc trâu, buộc ngựa của chiếc xe, không có cái đòn đó làm sao mà đi được.
“Người không có chữ tín chẳng làm chi nên việc.”
人而無信,不知其可也。
Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã.
(Luận Ngữ, Thiên II, bài 22, Nguyễn Hiến Lê dịch)[i]
Một môn đồ của Khổng Tử là Tăng Tử khuyên:
Đối với người già thì làm cho họ yên ổn; đối với bạn bè thì thành tín với họ.
老 者 安 之 , 朋 友 信 之 .
Lão giả an chi, bằng hữu tín chi.[ii]
Hàng ngày ông đều xét mình ba điều, và trong ba điều ấy có đức tín.
“Mỗi ngày ta xét ba điều: Làm việc cho ai có hết lòng khổng? Đối với bạn có vẹn chử tín thật không ? Đạo thầy truyền có học không?”
「吾日三省吾身:為人謀,而不忠乎?與朋友交,而不信乎?傳,不習乎?
Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vi nhân mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ? (Luận Ngữ, Thiên I, bài 4)[iii]
Nhưng tín phải hợp với nghĩa, những việc sai quấy thì chớ nhúng tay vào vì có làm cho xong thì cũng gây oán chứ không gây sự tin tưởng trong lòng người. Mà việc nghĩa đã hứa rồi thì hãy làm.
“Nếu mình hứa điều gì mà hợp nghĩa, thì phải làm.”
信近於義,言可復也.
Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã.
(Luận Ngữ, Thiên I, bài 13)[iv]
Đức tín đã trọng với Nho sĩ muốn bôn ba để cứu đời, mà cũng trọng với phái Đạo sĩ ẩn dật trong hang núi để tu hành nữa. Đạo sĩ đặt Tín làm tảng đá dưới chân tường trong cuộc đời, đã mất hết đạo đức, mất hết nhân nghĩa rồi nhưng mà tín là đức cuối cùng không thể mất.
"Cái gọi là lễ, là do thiếu trung tín, đây chính là nguyên nhân của bạo loạn."
夫禮者, 忠信之薄, 而亂之首.
Phù Lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ. (Đạo Đức Kinh, chương 38)
Sau Lão Tử, Trang Tử cũng bàn về tín. Ông cho lòng người sâu hiểm, khó dò hơn sông núi; nhìn bề ngoài khó mà biết được thật chất bên trong. Cho nên muốn biết ai đó có tài thật hay chỉ là vô hạnh thì phải thử thách họ: sai họ đi xa để dò lòng trung, cho làm việc khó để coi họ có tài không; chuốc rượu cho say để xem họ có giữ được phép tắc không; cho họ chung chạ nam nữ để xem họ có háo sắc không. Trang Tử đưa ra chín điều như vậy để thử lòng người, và muốn biết người nào đó có đức tín không thì cho họ một kỳ hạn gấp rút.
急與之期而觀其信
Cấp dữ chi kỳ nhi quan kỳ tín.
[Trang Tử, Liệt Ngự Khấu]
Và biết người ta có đức tín rồi thì không cần tới tiền của để thế chấp nữa.
“Chí lễ thì không kính trọng riêng ai; chí nghĩa thì không phân biệt sự vật; chí trí thì không mưu tính gì; chí nhân thì không tỏ ra thân thiết; chí tín thì không dùng kim tiền thế chấp.”
至禮有不人,至義不物,至知不謀,至仁無親,至信辟金。
Chí lễ hữu bất nhân, chí nghĩa bất vật, chí tri bất mưu, chí nhân vô thân, chí tín tịch kim.
[Trang Tử, Canh Tang Sở][v]
Đó là đức tín của người quân tử, người tầm thường muốn giữ giá trị đáng tin cậy của mình thì đừng coi cái gì cũng làm được, hứa lung tung với người ta để rồi cái gì cũng hóa ra khó khăn mà phải nuốt lời.
“Những kẻ hứa bừa bãi, sẽ khó giữ được lời. Coi cái gì cũng dễ, sẽ gặp nhiều cái khó.”
夫輕諾必寡信,多易必多難。
Phù khinh nặc tất quả tín. Đa dị tất đa nan.
(Đạo Đức Kinh, chương 63)[vi]
Ngoài kinh giáo do các bậc thầy ấy để lại, thì trong sách sử cũ cũng chép lại nhiều cố sự bàn về chữ tín. Nhân những cố sự đó mà có những thành ngữ như:
· Nhân bất tín bất lập, nghĩa là người không có tín thì không thể đứng vững;
· Tín vi quốc chi bảo, tức coi đức tín là bảo bối của quốc gia; hay
· Nhất sự bất tín, vạn sự bất tín, để chỉ người nói lời rồi lại nuốt lời, nói một đàng làm một nẻo.
Chúng tôi xin chép lại một vài cố sự như vậy để độc giả khỏi mất công tìm kiếm. Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như NGUYỄN VĂN NGỌC và Tử An TRẦN LÊ NHÂN có chép hai truyện về chữ Tín như sau.[vii]
CÁI ĐỈNH
Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quí. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.
Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến, bảo đi.
Nhạc Chính Tử hỏi: "Sao không đưa cái đỉnh thật"?
Vua Lỗ nói: "Ta quí cái đỉnh ấy lắm".
Nhạc Chính Tử thưa: "Nhà vua quí cái đỉnh ấy thế nào, thì tôi quí cái đức "Tín" của tôi như thế".
Sau vua Lỗ phải đưa đỉnh thật, Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
(HÀN TỬ)
THANH GƯƠM
Quí Trát là con vua nước Ngô đi du lịch các nước. Khi qua nước Từ vào thăm vua Từ. Vua Từ thấy Quí Trát có thanh gươm báu, muốn xin, mà chưa dám nói. Quí Trát trong bụng cũng định cho, mà chưa dâng được, vì cuộc du lịch chưa xong. Khi ở nước Tần về, thì vua Từ đã mất rồi. Quí Trát không biết làm thế nào, đành phải đem thanh gươm đến treo chỗ gốc cây bên mộ vua Từ, rồi mới về.
(Sử Kí Tư Mã Thiên)
Comments
Post a Comment